Mang tên Nochelaspis maeandrine, " quái ngư " này từng bơi lội khắp khu vực miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam trong kỷ Devon. Mẫu vật đầu tiên được ghi nhận là một mảnh xương sọ giống như một chiếc khiên tam giác hoàn hảo được tìm thấy ở hệ tầng Xishancun, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào năm 1987.
Chân dung "quái ngư" kỷ Devon - Ảnh: Dinghua Yang\
Theo Sci-News, vừa qua, thêm 2 mẫu vật hóa thạch từ "quái ngư" đã được tìm thấy ở Trung Quốc, kết quả giám định cho thấy các mẫu vật khoảng 415 triệu tuổi.
"Chúng nằm trong số những nhóm động vật có xương sống có thân bí ẩn giúp chúng ta hiểu được sự chuyển đổi từ động vật có xương sống không hàm sang động vật có xương sống có hàm" - tiến sĩ Min Zhu từ Viện Cổ sinh vật học và Cổ sinh vật có xương sống, Học viện Khoa học Trung Quốc, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Các mẫu vật mới khai quật - 2 chiếc khiên đầu tam giác khác, còn nguyên họa tiết trên da và gai viền - đã giúp các nhà khoa học hiểu thêm về phần cơ thể bên dưới.
Đó là một vùng bụng phẳng, có hình dáng quả lê, với 6 cặp lỗ phế quản mở đối xứng hai bên, một cấu trúc tồn tại ở nhiều loài cá có hàm sau này, thậm chí cá hiện đại như cá mập. Miệng sinh vật nằm ở phần cuối phía trước của tấm khiên tam giác. Nơi "quái ngư" sinh sống là nền cát hoặc bùn dưới đáy biển yên tĩnh.
Hóa thạch được cho là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành cổ sinh vật học, bởi đó chính là loài "ở giữa" trên cây tiến hóa, khi các loài cá dưới đại dương cổ đại dần biến đổi từ trạng thái cá không hàm sang cá có hàm.
Các chi tiết này đã giúp nhóm khoa học gia tái hiện được toàn vẹn sinh vật bí ẩn trong bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học Vertebrata PalAsiatica.