Hàng hóa Trung Quốc nếm mùi tắc biên: Chưa dọa được Bắc Kinh, Ấn Độ và thế giới đã "run rẩy"

Thúy |

Việc cho hàng hóa Trung Quốc “chết cứng” ở cảng và sân bay đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính ngành dược phẩm của Ấn Độ.

Sự thiếu dược phẩm của Ấn Độ đứng trước nguy cơ xuất hiện, giá cả thuốc men dự báo tăng cao. Trong khi đó, tính đến 29/6/2020, theo trang Worldometers, Ấn Độ là nước đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc Covid-19 với 549.197 ca và 16.487 người tử vong.

Theo Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil), nước này sẽ sớm rơi vào cảnh thiếu thiết bị y tế khi các thiết bị vô cùng cần thiết trong cuộc chiến chống lại Covid-19 đang bị tắc tại cảng, ví dụ máy đo thân nhiệt, máy đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu.

Chủ tịch Pharmexcil, Dinesh Dua cho biết, ngoài thiết bị y tế, nguyên liệu thô, chất trung gian, hoạt chất dược phẩm (API), nguyên liệu đầu vào (KSM) cũng bị kẹt ở biên giới, cản trở quá trình sản xuất thuốc.

Thay vì kiểm tra ngẫu nhiên, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay được kiểm tra toàn diện, gây ra chậm trễ. Tình trạng hàng hóa bị kẹt cứng đặc biệt tại cảng Jawaharlal Nehru và sân bay New Delhi khiến các nhà nhập khẩu lo lắng.

"Sự gián đoạn tại hải quan trong thời gian này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dược phẩm – ngành quan trọng số 1 trong việc điều trị bệnh tật, bao gồm cả Covid-19," ông Dua bổ sung.

"API và KSM bị giữ lại sẽ làm mất ổn định thị trường thuốc của Ấn Độ, gây ra sự gián đoạn nguồn cung các sản phẩm thuốc đang cứu sống người Ấn và cả thế giới."

Economic Times (ET) cho hay, sự chậm trễ thông quan của các lô hàng tại sân bay Ahmedabad, Chennai and Delhi và tại cảng Jawaharlal Nehru, nơi xử lý khoảng 60% hàng vận chuyển tới Ấn Độ đang làm các ông chủ công ty dược phẩm đứng ngồi không yên.

Nguyên liệu thô để bào chế các loại thuốc cần thiết trong việc điều trị Covid-19 đều đang bị mắc kẹt.

"Chúng tôi đã 'chết ngập' trong các cuộc gọi khẩn khoản từ rất nhiều công ty bởi sự gián đoạn nghiêm trọng trong việc sản xuất thuốc trong những ngày qua," ông Dua nói.

Chủ tịch Pharmexcil đã viết thư cho Bộ Ngoại giao, Thư kí nội các, Văn phòng Thủ tướng, Bộ Y Dược Ấn Độ để tìm kiếm sự can thiệp vào vấn đề này.

Theo ET, ông Dua bày tỏ quan điểm, nếu việc khai thông hàng hóa ở biên giới không được "ưu tiên" thì những nỗ lực duy trì mức sản xuất dược phẩm nhằm chiến đấu với Covid-19 cho đến nay sẽ chỉ như muối bỏ biển.

Căng thẳng Trung Quốc-Ấn Độ thời gian gần đây cũng mang theo lo ngại về mức tăng giá API cũng như sự an toàn của dược phẩm.

Ấn Độ là nước sản xuất thuốc lớn thứ ba thế giới, nhập khẩu 70% API từ Trung Quốc, đặc biệt, 90% kháng sinh của nước này phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại