Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), liên tục trong 5 năm qua thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng ở mức trên 25%, tỷ trọng doanh thu so với tổng mức bán lẻ cũng đã tăng gấp đôi.
Hàng hiệu giá rẻ bất ngờ
Mặc dù vậy, sự bùng nổ của TMĐT cũng kéo theo nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng liên tục phát hiện hàng giả, hàng cấm và hàng vi phạm bản quyền trên môi trường tực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại Diễn đàn "Phòng, chống hàng giả, hàng nhái: Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp" ngày 27/11.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mua sắm thông qua thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng. Tuy vậy, hàng giả, hàng nhái vẫn khó kiểm soát, ngăn chặn.
"Kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất", bà Huyền chỉ rõ.
Cũng theo bà Huyền, việc ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT hiện nay còn nhiều vướng mắc, bởi phương thức bán hàng ngày càng tinh vi, người bán thường hay phân nhỏ hàng hóa, chỉ có hàng online mà không có hàng vật lý… nên khó bị phát hiện.
"Một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên môi trường mạng vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường TMĐT", bà Huyền nhấn mạnh.
Đáng chú ý theo bà Huyền, các đối tượng kinh doanh hàng giả còn có hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc đặt tên miền, giao diện webiste, đăng tải hình ảnh sản phẩm nhái các trang bán sản thật. "Website thương mại điện tử của sàn Lazada.vn cũng bị làm nhái, với tên gọi, màu sắc, giao diện khá giống trang Lazada.vn thật", bà Minh Huyền cho hay.
Nguy hiểm hơn khi qua theo dõi, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn phát hiện một số website trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ như youtube.vn; bmw.com.vn; subway.com.vn…
Một số tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ như intelt.vn; kodark.com; panasonica.com… hay tên miền chứa đựng nhãn hiệu đã được bảo hộ và từ mô tả liên quan như laptopdell.com; macsaigon.vn; daunhotshell.com.vn… Nếu truy cập vào những trang này, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó theo bà Huyền, trên môi trường TMĐT còn xuất hiện hiện tượng giả mạo thông qua hình thức quảng cáo trực tuyến (các đối tượng lợi dụng hình ảnh của những KOL/người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả).
Ngoài ra, hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…
Không dung túng cho hàng giả
Trước thực trạng bùng nổ hàng giả, hàng cấm và hàng vi phạm bản quyền trên môi trường tực tuyến, thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường các biện pháp xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
Sản phẩm giả thương hiệu nước ngoài được sản xuất tinh vi, rất khó phát hiện. (Ảnh chụp màn hình)
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ rõ, hiện nay các đối tượng xấu đang tận dụng triệt để môi trường và lợi dụng TMĐT để bán những sản phẩm ko rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, xâm phạm bản quyền.
"Trước đây, các sàn TMĐT rất cần các chính sách mở để thu hút người bán hàng, nhưng giờ đây khi lượng người tham gia rất lớn thậm chí hàng trăm ngàn, hàng triệu người bán thì lúc này vai trò kiểm tra, kiểm soát thị trường lại nổi bật lên. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể yêu cầu các sàn phải có trách nhiệm xử lý, đóng các tài khoản xấu hoặc có các hình thức xử phạt về mặt kỹ thuật..." ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, căn cứ vào Nghị định 98, việc quản lý môi trường TMĐT được quy định tại Mục 10 với 5 Điều, trong đó mức phạt được nâng lên đáng kể. Với các sàn TMĐT, việc phối hợp và có biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi gian lận, hàng giả, hàng cấm là yêu cầu bắt buộc.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để làm tốt hơn nữa công tác chống hàng giả, hàng nhái cần vai trò rất lớn của cộng đồng. Bởi khi nào vẫn còn người tiêu dùng chủ động tiêu dùng hàng giả, hàng nhái thì loại hàng hóa này vẫn còn môi trường để tồn tại.