Hang động chất đầy xương người và động vật suốt hàng nghìn năm

Minh Hoa (t/h) |

Các nhà khoa học đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện kho xương người và động vật khổng lồ trong một hang dung nham khô cạn ở tây bắc Saudi Arabia.

Theo Ancient Origins, hàng trăm nghìn mảnh xương người và động vật đã được tìm thấy tại Umm Jirsan- một hang dung nham khô cạn dài khoảng 1,5 km ở tây bắc Saudi Arabia. Sau khi tiến hành khai quật địa điểm này các nhà nghiên cứu đã biết được sinh vật đói ăn nào đã tạo nên kho xương khổng lồ.

"Chúng tôi cho rằng đó là linh cẩu vằn. Linh cẩu vằn là loài vật rất thích tích lũy xương", Mathew Stewart, nhà khảo cổ tại Viện Nghiên cứu Lịch sử Nhân loại Max Planck, nói. Phân tích của Stewart và nhóm của ông được xuất bản mới đây trên tạp chí Archaeological and Anthropological Sciences.

Mặc dù hiện tại những con linh cẩu vằn là loài động vật đang bị đe dọa ở Saudi Arabia nhưng trước đây chúng sống phổ biến tại các khu vực đầy dung nham ở phía tây bắc đất nước này suốt thế Holocen (thế địa chất bắt đầu từ khoảng 11.700 năm trước và tiếp tục kéo dài đến nay).

Hang động chất đầy xương người và động vật suốt hàng nghìn năm - Ảnh 1.

Bên trong hang Umm Jirsan.

Hang Umm Jirsan vốn được phát hiện từ giữa những năm 2000 nhưng khi đó các nhà nghiên cứu đã không đi quá sâu vào bên trong. Trong phát hiện mới nhất, người ta mới tìm ra số lượng xương khổng lồ trong hang, đại diện cho ít nhất 40 loài khác nhau.

Sử dụng phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon các nhà khảo cổ nhận thấy một số đoạn xương có niên đại tới 7.000 năm trong khi nhiều đoạn xương khác có niên đại ít hơn nhiều. Điều này chứng tỏ số xương đã được tích lũy dần qua hàng nghìn năm.

Hang động chất đầy xương người và động vật suốt hàng nghìn năm - Ảnh 2.

Linh cẩu vằn được cho là thủ phạm tích góp số xương khổng lồ. (Ảnh minh họa)

Nhóm nghiên cứu xác định được linh cẩu vằn là thủ phạm sau khi thống kê số xương và kiểm tra các vết cắn, dấu răng, dấu vết tiêu hóa cũng như cách các mảnh xương bị vỡ. Một dấu hiệu khác chứng minh cho sự có mặt của những con linh cẩu là trong hang có vài hộp sọ người.

Linh cẩu được biết đến là loài ăn xác thối với thói quen tìm đến các ngôi mộ của con người để kiếm ăn nhưng luôn không động đến phần đỉnh sọ. "Luôn luôn chỉ còn phần đỉnh sọ là sót lại với những con linh cẩu vằn. Chúng dường như không thực sự hứng thú với phần đỉnh của những chiếc đầu lâu. Chúng tôi tìm thấy 5 hay 6 đỉnh sọ với vết gặm tại đây và chỉ có vậy, không còn gì khác", Stewart nói.

Nghiên cứu mới được thực hiện như một phần của Palaeodeserts - dự án nhằm tìm hiểu môi trường cổ xưa ở nơi ngày nay là bán đảo Arab và tìm hiểu xem môi trường thay đổi ra sao theo thời gian. Để hiểu điều này, các nhà khoa học cần nắm được sự di chuyển của con người và động vật. Do điều kiện khắc nghiệt của Saudi Arabia, những tàn tích của động vật cổ xưa còn sót lại rất ít, các chuyên gia rất khó để phân tích và đưa ra kết luận.

Stewart cho biết thường khi nhóm nghiên cứu có hài cốt để kiểm tra, xương đã ở trong tình trạng xuống cấp đến mức rất khó để xác định được các thông tin về chúng. Họ phải sử dụng các vết tích khác, thậm chí là các mô tả nghệ thuật trên đá về cuộc sống cổ đại ở Saudi Arabia để có được cái nhìn cơ bản về những loài từng sinh sống trong khu vực. Vì vậy, kho xương mà linh cẩu tích trữ là nguồn thông tin vô cùng quý giá.

Với việc tìm thấy kho xương đồ sộ trong hang Umm Jirsan, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ lấy được thông tin di truyền từ xương. Họ cũng cho rằng có thể tìm hiểu về chế độ ăn uống và quá trình di cư của các loài động vật nhờ phân tích các chất đồng vị trên răng của chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại