Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong tháng 7 đạt hơn 424 nghìn tấn với trị giá hơn 137 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và giảm 11,1% về trị giá so với tháng 6.
Lũy kế trong 7 tháng đầu năm sản lượng phân bón nhập khẩu cán mốc 3,06 triệu tấn với trị giá gần 980 triệu USD, tăng 55,% về sản lượng và tăng 46,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhập khẩu bình quân ghi nhận mức sụt giảm so với cùng kỳ, đạt 320 USD/tấn, tương ứng mức giảm 6%.
Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp phân bón lớn nhất của nước ta khi chiếm đến 40% trong tổng lượng nhập khẩu. Tổng kết 7 tháng, lượng nhập khẩu phân bón từ láng giềng đạt 1,25 triệu tấn, tương đương 366 triệu USD, tăng 18,8% về lượng, tăng 13,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Hồi đầu tháng 9/2023, Trung Quốc yêu cầu một số doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu urê sau khi giá trong nước tăng vọt. Những động thái của nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới đã khiến giá urê thế giới đi lên, đồng thời là yếu tố tác động đến xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, nhà sản xuất phân bón lớn thứ 4 thế giới đang tăng mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam. Cụ thể, Israel đã xuất sang nước ta 79.283 tấn phân bón với kim ngạch đạt hơn 29,6 triệu USD, tăng 3.788% về lượng và tăng 884% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 375 USD/tấn, giảm mạnh 293% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Israel, quốc gia này chiếm khoảng 6% tổng sản lượng kali toàn cầu. Nước này cũng là nước xuất khẩu kali lớn thứ tư trên thế giới, sau Canada, Nga và Belarus khi cung cấp khoảng 8% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu vào năm 2022. Cảng Ashdod của Israel ngay phía bắc Dải Gaza và là trung tâm xuất khẩu phân kali quan trọng của đất nước.
Về phía nhu cầu sử dụng của thế giới trong năm 2024, Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) hiện dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn. Các yếu tố như bất ổn địa chính trị và điều kiện thời tiết cực đoan đã khiến giá loạt mặt hàng nông sản chủ chốt, gồm gạo, lúa mì, ngô hiện vẫn neo cao so với mức trung bình 10 năm trở lại đây.
Hiện Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón. Tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 16,1 triệu tấn, hữu cơ là 4,6 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là 10,4 triệu tấn/năm, trong đó, tiêu thụ phân bón vô cơ 7,6 triệu tấn/năm.
Việt Nam đang cân nhắc áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón. Cụ thể, Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đã đưa phân bón thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), với mức thuế 5%, trong khi luật hiện hành đang là đối tượng không chịu thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, những ý kiến khác nhau về quy định áp thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ được Bộ tiếp thu, xin ý kiến và sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa, sau đó trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.