"Giống như việc chúng ta đã đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán phi hạt nhân hóa thông qua Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang năm ngoái, [hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn lần này cũng nhằm mục đích đưa Triều Tiên – nước đang gặp khó khăn trong phán đoán chiến lược sau khi không đạt được thỏa thuận ở Hà Nội - đi vào quỹ đạo đối thoại", Tổng thống Moon Jae In phát biểu tại cuộc họp của ban thư ký được tổ chức ở Nhà Xanh chiều 1/4.
Ông cho biết, ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Moon chỉ ra: "Đây là kết quả của cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Trump trong việc tiếp tục đối thoại với các nguyên tắc nhất quán đảm bảo tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên phải giành thắng lợi dù có gặp bất cứ trở ngại gì".
"Chúng tôi mong chờ sự cương quyết của Triều Tiên trong việc đáp lại những nổ lực của cả hai nước Mỹ-Hàn".
Ông cũng khẳng định: "Mặc dù [các bên liên quan đang gặp] khó khăn tạm thời trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên do ảnh hưởng từ kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai nhưng rõ ràng cả Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ đều không muốn quay lại quá khứ", đồng thời liên tục nhấn mạnh ý chí của ba nhà lãnh đạo để tiếp tục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Theo Newsis (Hàn Quốc), mặc dù hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều chưa đạt được đồng thuận chung tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai nhưng họ vẫn lạc quan tuyên bố hai bên có đủ điều kiện để nối lại cuộc đối thoại.
Đặc biệt, báo Hàn Quốc cho rằng, việc Bình Nhưỡng công nhận Seoul là một bên tham gia của tiến trình phi hạt nhân hóa đồng nghĩa việc Triều Tiên sẽ cố gắng giải quyết vấn đề đàm phán phi hạt nhân hóa thông qua "hệ thống hợp tác ba chiều của Mỹ-Triều-Hàn".
Được biết, ông Moon Jae In đang tìm kiếm một giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng đóng băng hiện nay thông qua "hợp tác ba chiều Mỹ-Triều-Hàn".
Thực tế, trong bài phát biểu gây quỹ Kohver ở Đức vào tháng 7/2017, Tổng thống Moon đã tiết lộ kế hoạch thực hiện tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua lời kêu gọi Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang năm 2018.
Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã đề nghị Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang và nói rằng: "Chúng ta phải nắm tay nhau và mở bước đột phá trên bán đảo Triều Tiên".
Chính "Kế hoạch PyeongChang" của Tổng thống Moon đã đưa Triều Tiên đến với cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa, Newsis nhận định.
Và sau đó là loạt động thái tích cực hướng tới bàn đàm phán của các bên liên quan: Chủ tịch Kim Jong Un đồng ý cử đoàn đại diện tham dự Thế vận hội Pyeongchang, các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn tạm dừng, các cuộc đối thoại cấp đặc phái viên liên Triều đến thượng đỉnh liên Triều 27/4...
Do đó, theo báo Hàn, Tổng thống Moon Jae In đang tiến hành kế hoạch Pyeongchang lần hai để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
"Chúng ta đã phải trải qua những khó khăn để đến một vùng đất mới. Chúng ta tuyệt đối sẽ không bao giờ quay lại quá khứ và cũng không thể quay lại", "phải khai thông những con đường tắc nghẽn, nếu không đường đi thì chúng ta phải tự tạo ra và cùng nhau hướng đến"", ông Moon nhấn mạnh.