Hàn Quốc công bố kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn

Tú Anh |

Ngày 19/7, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố lộ trình 10 năm đào tạo 150 nghìn cử nhân ngành bán dẫn cho các cơ sở giáo dục đại học.

Hàn Quốc công bố kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn - Ảnh 1.

Thúc đẩy ngành công nghệ bán dẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu hiện nay của Hàn Quốc.

Kế hoạch được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol kêu gọi các biện pháp đặc biệt thúc đẩy ngành công nghệ bán dẫn, bao gồm đào tạo thế hệ tài năng trong tương lai.

Theo kế hoạch, các trường đại học Hàn Quốc được phép nâng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành liên quan đến bán dẫn, miễn là phân bổ đủ giảng viên. Hiện nay, các trường đại học ở Seoul, nơi tập trung đông dân cư, bị cấm tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo Đạo luật Quy hoạch Điều chỉnh thủ đô, nhằm duy trì cân bằng trong khu vực.

Việc tăng chỉ tiêu ngành bán dẫn không đồng nghĩa thay đổi quy định trong bộ luật do chính phủ đã thắt chặt hạn ngạch trong những năm qua. Tuy nhiên, nếu cần thiết, Bộ Giáo dục sẽ đề nghị Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông sửa đổi luật.

Thông báo này ban đầu vấp phải sự phản đối của các trường đại học nằm ngoài Seoul. Với việc Bộ Giáo dục Hàn Quốc ám chỉ kế hoạch nâng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường thủ đô, các trường ngoài khu vực bày tỏ lo ngại sẽ mở rộng khoảng cách giữa các trường đại học ở thành thị và nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục cho biết sẽ phân bổ khoảng 3,6 nghìn tỷ won (2,8 tỷ USD) để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài Seoul. Các trường được phép thuê chuyên gia lĩnh vực bán dẫn, giảng viên nước ngoài; đồng thời, được tăng ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, học bổng, trợ cấp thu hút sinh viên.

Ngoài ra, một số trường đại học sẽ được chỉ định trở thành "trường đại học về chất bán dẫn". Điều kiện là các trường phải cung cấp chương trình đào tạo chất bán dẫn chất lượng, thuộc tốp đầu cả nước. Những trường này sẽ tiếp tục nhận được trợ cấp đặc biệt từ chính phủ.

Một vấn đề khác là nhiều trường đại học phản ánh gặp khó khăn khi tuyển dụng giảng viên ngành bán dẫn. Do đó, trong kế hoạch mới, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho phép nới lỏng tiêu chuẩn về trình độ đối với giảng viên trợ giảng, giáo sư thỉnh giảng trong lĩnh vực này. Các trường có thể mời chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn, giáo sư nước ngoài để mở rộng nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, đối với giảng viên chính thức, Bộ Giáo dục sẽ dỡ bỏ giới hạn lương, tài trợ cho các quỹ nghiên cứu nhằm thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Về lâu dài, Trung tâm Nghiên cứu Bán dẫn liên trường tại Đại học Quốc gia Seoul sẽ hoạt động như một trung tâm giáo dục và nghiên cứu về chất bán dẫn ở Hàn Quốc. Tháp nghiên cứu của trường đại học sẽ là tháp điều khiển hoạt động nghiên cứu, giáo dục và đào tạo. Mỗi vùng sẽ có trung tâm nghiên cứu về chất bán dẫn riêng và thiết lập trong mạng lưới quốc gia.

Bộ cũng có kế hoạch tổ chức một chương trình đào tạo cho những sinh viên không chuyên về chất bán dẫn để tìm hiểu về lĩnh vực này. Những người tham gia chương trình sẽ được cấp chứng chỉ về nghiên cứu chip.

Trước đó, các chuyên gia cảnh báo ngành công nghiệp chip Hàn Quốc thiếu trầm trọng nguồn nhân lực sau khi nhiều kỹ sư tay nghề cao chuyển hướng làm việc cho Trung Quốc và nhiều nước khác. Sau khi lên nắm quyền vào tháng 5/2022, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon

Suk-yeol đã yêu cầu quốc gia tập trung vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn, giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho Bộ Giáo dục. Kể từ đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã gấp rút tổ chức các hội thảo, phân bổ lại nguồn ngân sách cho giáo dục và xây dựng kế hoạch bổ sung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại