Cuộc đại di cư của đàn linh dương đầu bò.
Hậu quả của hạn hán
Quận Samburu phía Bắc Kenya, một đợt hạn hán kỷ lục ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu đang tàn phá sinh kế của con người và môi trường sống của động vật hoang dã. Tình trạng thời tiết tồi tệ nhất trong 40 năm qua ở Kenya đã khiến động vật hoang dã có mặt thường xuyên hơn trong các ngôi làng ở khu vực quận Samburu để tìm kiếm thức ăn. Trong đó, nhiều con vật đã bị chết gục, vô tình mang đến cho người dân một nguồn thực phẩm bất đắc dĩ.
Chính quyền Kenya ước tính, hạn hán đã giết chết hơn 200 con voi, gần 400 con ngựa vằn và hơn 500 con linh dương đầu bò cùng một số loài khác trong 9 tháng qua. Nhiều con vật còn sống sót đang dần chết đói, yếu ớt và thường xuyên tiếp xúc với con người. Nguyên nhân là do cạn kiệt nguồn lương thực cũng như thiếu nước.
Chính phủ Kenya đã cung cấp một số nguồn cứu trợ như nước, thức ăn thô xanh, cỏ khô và muối cho động vật hoang dã trong khu vực, nhưng chúng vẫn buộc phải đi sâu hơn vào các khu dân cư để tìm kiếm thêm thức ăn và nước uống.
Biến đổi khí hậu và các hoạt động bảo tồn kém đã làm suy thoái các vùng đất được bảo vệ, khu bảo tồn và công viên quốc gia trong những năm gần đây. Anh Jim Nyamu, người giúp điều hành Trung tâm Voi cho biết: “Nơi chúng tôi phát hiện các trường hợp động vật hoang dã bị chết thực tế không phải ở trong các khu bảo tồn hay công viên. Điều đó có nghĩa là chúng thực sự đang tìm kiếm nơi chúng từng kiếm ăn như tuyến đường di cư đã bị chặn bởi con người”.
Ông Alex Ngari - một nhân viên tổ chức từ thiện bảo tồn BirdLife châu Phi - cho biết: “Xác của các loài chim di cư, chẳng hạn như chim lăn châu Âu, có thể được nhìn thấy ở những vùng đất khô cằn rộng lớn. Hơn 300 loài chim trên lục địa đã được phân loại là bị đe dọa toàn cầu hoặc cực kỳ nguy cấp”.
Hạn hán cũng đã tàn phá các cộng đồng dân cư, dẫn đến mất sinh kế vì gia súc chết hàng loạt và mùa màng thất bát. Ông Paul Gacheru từ nhóm bảo tồn Nature Kenya cho biết, để tồn tại, người nông dân đang chặt cây khô để sản xuất và bán than kiếm sống, dẫn đến mất đa dạng sinh học nghiêm trọng hơn trong khu vực
Ông Gacheru nói: “Cần có một lời kêu gọi phối hợp nhằm hỗ trợ các cộng đồng địa phương đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu”, đồng thời cho biết thêm rằng, người dân địa phương cần những phương cách sản xuất ít tàn phá hơn để thích nghi với khí hậu khô và ấm.
Vấn đề tìm giải pháp để bảo vệ tốt hơn các hệ sinh thái dễ bị tổn thương khỏi khí hậu ấm lên sẽ là một phần của các cuộc thảo luận tại Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) ở Montreal, Canada. Các chính phủ đang làm việc để đưa ra một khuôn khổ về cách thế giới nên bảo vệ thiên nhiên và đặt mục tiêu cho thập kỷ tới.
Bảo tồn hệ sinh thái
Các cộng đồng trên khắp lục địa châu Phi cũng đang phải đối mặt với những mất mát tương tự. Lưu vực Okavango ở miền Nam châu Phi, nơi cung cấp nước cho một triệu người và một nửa số lượng voi trên thế giới, đã phải chịu tác động do biến đổi khí hậu, phát triển đô thị và nạn phá rừng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của vùng đất.
Ông Vladimir Russo, cố vấn cho Dự án Hoang dã Okavango của National Geographic cho biết: “Việc đặt các hệ sinh thái và động vật hoang dã vào tình thế nguy hiểm đang tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của con người”. Ông Russo cho rằng, các hệ sinh thái được bảo tồn kém đã gây ra nhiều xung đột giữa con người và động vật hoang dã hơn và có thể dẫn đến gia tăng nạn săn trộm.
“Các thành viên cộng đồng địa phương và các nhà hoạch định chính sách hiện đang tham gia vào các cuộc thảo luận để bảo vệ hệ sinh thái” - ông Bogolo Kenewendo, một nhà đấu tranh khí hậu cấp cao của Liên hợp quốc cho biết. Các chuyên gia về chính sách và thiên nhiên cũng cho rằng, cần có thêm sự bàn bạc tại hội nghị thượng đỉnh ở Montreal, để bảo tồn đa dạng sinh học của lục địa.
Bà Linda Kreuger - người đứng đầu chính sách đa dạng sinh học tại The Nature Conservancy - nhấn mạnh: “Cần phải đưa việc bảo vệ thiên nhiên vào chương trình nghị sự chính sách của các nguyên thủ quốc gia vì nó ngày càng trở thành tiêu chuẩn đối với khí hậu”.
Trong khi đó, các tổ chức từ thiện bảo tồn ở Samburu cho biết, họ đang làm những gì có thể khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. Trên thực tế, tại một khu bảo tồn voi ở Samburu, có khoảng 30/40 con voi con đã được giải cứu vì tình trạng hạn hán kéo dài.
Bác sĩ thú y Isaiah Alolo - người làm việc tại Khu bảo tồn voi Reteti - cho biết, cùng với nguy cơ chết đói, “hạn hán là một dạng căng thẳng khiến khả năng miễn dịch của động vật bị suy giảm và điều này góp phần gây ra nhiễm trùng và dẫn đến cái chết của nhiều con vật. Điều đó khiến nhiều động vật non bị mồ côi và cần được giải cứu”. Bác sĩ Alolo cho rằng, thực tế này mang lại rất nhiều áp lực cho những người làm công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Người chăm sóc khu bảo tồn Reteti, anh Dorothy Lowakutuk cho biết thêm, nhân viên tại khu bảo tồn này phải lấy thức ăn và thực phẩm bổ sung từ đồng cỏ xung quanh núi Kenya, cách khoảng 50km từ khu bảo tồn. Tuy nhiên, những đồng cỏ đó cũng có nguy cơ bị suy thoái nếu hạn hán tiếp tục diễn ra.
Theo Bộ Du lịch và Động vật hoang dã Kenya, có tới 14 loài động vật hoang dã đã được xác định bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, hầu hết là động vật ăn cỏ. Không chỉ động vật, 4 mùa không có mưa liên tiếp cũng đã đẩy ít nhất 4 triệu người trong tổng số 50 triệu dân của Kenya vào cảnh đói khát.