Hàm ý của ông Trump khi “pha trộn” chính sách đối ngoại và kinh tế

CTV Kiều Anh |

Đằng sau sự “pha trộn” trong chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Trump là những nỗ lực để thực hiện chiến lược “Nước Mỹ trên hết”.

Yếu tố cốt lõi của “Nước Mỹ trên hết”

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompero, ông đã chỉ đích danh và đổ lỗi cho Trung Quốc cũng như các hoạt động thương mại của nước này trên toàn cầu.

Trong đột phá về quan hệ thương mại gần đây với Mexico, Tổng thống Trump đã khen ngợi Tổng thống quốc gia này là người rộng rãi khi đã hỗ trợ ông trong vấn đề an ninh biên giới và lương thực.

Cả hai ví dụ này đều là minh chứng rõ ràng cho thấy Tổng thống Trump đã biến chính sách thương mại trở thành một lĩnh vực có tính kết nối, liên quan đến các yếu tố khác trong chính sách ngoại giao với phương châm "Nước Mỹ trên hết" và đồng nhất chúng với chiến lược chính trị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 của ông.

Chiến lược thương mại của ông Trump được thể hiện bằng việc áp thuế quan và dừng các thỏa thuận với chính những đối tác kinh tế và đồng minh lâu năm của mình với mục đích đảo ngược lại những thỏa thuận thương mại mà từ lâu ông cho là không công bằng với Mỹ.

Cùng với đó, Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục các phương thức nhằm duy trì sự ủng hộ của phần lớn cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động bị tác động do mất việc làm.

"Trump hiểu chính sách kinh tế là chính sách ngoại giao và ngược lại. Điều quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của ông là không chỉ giữ thế giới hòa bình mà còn thúc đẩy các lợi ích kinh tế của Mỹ.

Đó là những gì Tổng thống Trump đang thực hiện, cũng chính là yếu tố cốt lõi của “Nước Mỹ trên hết”, Stephen Moore - một cựu cố vấn trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump nhận định.

Theo quan điểm của Tổng thống Trump, kết hợp chính sách kinh tế với chính sách ngoại giao cũng là một cách đem lại lợi ích cho nền chính trị.

Bởi vì Tổng thống Trump coi trọng các lợi ích thương mại nên ông luôn gắn vấn đề này với một loạt các mối quan tâm về chính sách đối ngoại hàng đầu khác.

Trả lời các phóng viên vào tuần trước về việc Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa, ông Trump tuyên bố "một phần của vấn đề Triều Tiên là do những tranh cãi về thương mại của Mỹ với Trung Quốc" đồng thời chỉ ra sự mất cân bằng về cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Chúng ta phải sắp xếp lại quan hệ thương mại bởi Mỹ đã mất quá nhiều tiền", ông Trump khẳng định.

Điệp khúc quen thuộc của Tổng thống Mỹ trong các cuộc mít tinh là lời khẳng định sẽ theo đuổi một hệ thống "thương mại công bằng và có lợi cho các bên".

Ngoại giao làm đòn bẩy cho thương mại

Năm thứ 2 trong nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump được đánh dấu bằng một loạt các tranh chấp thương mại với những đồng minh truyền thống và kẻ thù của Mỹ. Đây dường như là một cách tiếp cận gắn với tuyên bố trên Twitter của ông, rằng "chiến tranh thương mại là điều tốt".

Tháng 3/2018, ông Trump áp các mức thuế quan lên các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu gây nên sự trả đũa từ EU và các đồng minh khác của Mỹ. Sau đó 1 tháng, Tổng thống Mỹ lại thông báo áp thuế lên một số mặt hàng của Trung Quốc khi ông cho rằng quốc gia này là một "kẻ trộm" các công nghệ của Mỹ trong một loạt các hàng hóa và dịch vụ.

Trung Quốc cũng đáp trả các lệnh trừng phạt này lên các mặt hàng từ Mỹ khiến việc sản xuất đậu nành ở vùng Trung Tây của Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Vào cuối tháng 7/2018, Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker đã đạt được một thỏa thuận tạm thời tại Nhà Trắng nhằm hạn chế thuế quan lên hàng nhập khẩu tự động và xoa dịu những căng thẳng về thương mại giữa hai bên dù những đe dọa về những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ - EU vẫn còn tồn tại.

Sau bước đột phá trong quan hệ với Mexico, chính quyền ông Trump bận rộn với các cuộc đàm phán với Canada nhằm tạo nên một phiên bản mới của một NAFTA 24 tuổi.

Các chính quyền Tổng thống Mỹ trước thường sử dụng cách thức "cây gậy và củ cà rốt" trong thương mại như một biện pháp để đạt được các thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh đến việc thực hiện các thỏa thuận đa phương và song phương nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, thúc đẩy các giá trị Mỹ và cải thiện nhân quyền.

“Tuy nhiên, chính quyền Trump lại tiếp cận theo một hướng khác khi dùng các công cụ của chính sách ngoại giao làm đòn bẩy nhằm đạt được các mục tiêu thương mại", ông Lori Wallach, giám đốc Giám đốc Tổ chức Theo dõi Thương mại Toàn cầu nhận định.

Các nhà quan sát cho rằng, sự kiên quyết của ông Trump về các nhượng bộ thương mại có thể cản trở khả năng thúc đẩy các lĩnh vực khác của Tổng thống Mỹ.

Chẳng hạn với Triều Tiên, Tổng thống Trump đã nỗ lực biến cuộc gặp của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong Un thành minh chứng tiêu biểu cho thấy phong cách ngoại giao "bất quy tắc" của ông có thể khiến những kẻ đối đầu lâu đời với Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán.

Nhưng đem các hoạt động thương mại của Trung Quốc trên toàn cầu làm yếu tố cần để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên thì thực sự ông Trump đang liều lĩnh khi có thể "sa lầy" vảo cả hai vấn đề nhưng lại không đạt được những kết quả cần thiết.

“Kết hợp chính sách ngoại giao với chính sách thương mại có thể tạo nên nhiều thay đổi nhưng điều này khiến người ra chính sách "gần như không thể đưa ra một quyết định chuẩn xác được.

Bạn sẽ luôn phải chạy theo xử lý vấn đề tiếp theo khi nó mâu thuẫn với các mục tiêu đã đặt ra", ông Daniel Ujczo - luật sư thương mại Dan Ujczo của Công ty luật Dickinson Wright (Mỹ) nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại