Mặc dù quân đội Syria, với sự hỗ trợ của Nga, Iran và các đồng minh người địa phương - đã giành được thắng lợi lớn trong năm 2016, trong đó có việc giải phóng Aleppo vốn được chờ đợi từ lâu, nhưng theo trang mạng của Tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor", hai trở ngại chính sẽ cản trở tiến trình giải quyết cuộc xung đột Syria trong tương lai gần.
"Thật hấp dẫn khi nghĩ rằng cuộc nội chiến Syria sẽ kết thúc vào năm 2017, khi hiện nay các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát thành phố quan trọng Aleppo. Thật vậy, hiện họ đang kiểm soát một số thành phố lớn và củng cố những thành quả đã đạt được. Tuy nhiên, cuộc xung đột này sẽ chưa kết thúc, ít nhất là trong năm 2017", Stratfor nêu rõ.
Có hai trở ngại chính sẽ cản trở tiến trình giải quyết cuộc xung đột Syria trong tương lai gần. (Ảnh: B.I)
Hai thách thức chính ngăn cản quân đội Syria đẩy lùi các nhóm cực đoan ra khỏi đất nước và mang lại hòa bình lâu dài cho quốc gia Trung Đông này là có quá nhiều nhiệm vụ trên chiến trường và những bên liên quan đang theo đuổi những lợi ích của riêng mình.
Quá nhiều thách thức trên chiến trường
"Những người trung thành với Tổng thống Assad chỉ đơn giản là bị kéo ra quá nhiều hướng để giành được một chiến thắng quyết định. Hiện họ vẫn còn rất nhiều việc phải làm và hàng loạt thứ có thể thay đổi cán cân quyền lực trong cuộc xung đột tại Syria", các nhà phân tích của Stratfor cho biết.
Chiến thắng ở Aleppo là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng đảm bảo an toàn cho thành phố này và khu vực phía Bắc của Syria sẽ là điều không dễ dàng. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Syria cũng sẽ phải đẩy lùi các nhóm cực đoan nằm giữa Aleppo và Damascus.
Cùng với đó, các lực lượng chính phủ Syria "cũng sẽ bị kéo vào những khu vực do IS kiểm soát ở thành phố miền Đông Deir el-Zour, nơi quân chính phủ đang bị bao vây. Việc giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ ở vành đai năng lượng xung quanh Palmyra cũng sẽ là một ưu tiên của quân đội Syria".
Nhiều bên liên quan
Cuộc xung đột Syria đã cho thấy có nhiều bên liên quan, cả ở trong và ngoài nước. Điều này luôn luôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng khiến cuộc khủng hoảng trở nên phức tạp như vậy. "Năm 2017, sự hiện diện của các cường quốc bên ngoài cũng sẽ làm phức tạp chiến trường Syria, tương tự như trong những năm qua", Stratfor dự đoán.
Mỹ dự kiến sẽ điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình đối với Syria. Washington sẽ hỗ trợ có lựa chọn cho các nhóm phiến quân chiến đấu chống lại IS thay vì giúp đỡ những nhóm có mục đích chính là nhằm lật đổ ông Assad.
Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ dẫn đến 3 hậu quả. "Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia sẽ phải tăng cường hỗ trợ cho các phiến quân, bao gồm cả những nhóm cực đoan hơn mà Mỹ đã bỏ rơi. Thứ hai, sự hỗ trợ của họ sẽ tạo không gian cho cho các nhóm phần tử cực đoan phát triển mạnh. Thứ ba, Nga sẽ có thể hợp tác về mặt chiến thuật nhiều hơn với Mỹ và các đồng minh".
Với Thổ Nhĩ Kỳ, mục tiêu chính của Ankara là ngăn chặn người Kurd có nhiều quyền lực hơn và mở rộng việc kiểm soát lãnh thổ ở miền Bắc Iraq và Syria. Kết quả là, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chủ yếu tập trung vào việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực thay vì đặt tất cả các nỗ lực vào cuộc chiến chống IS. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể tiến sâu hơn vào Syria do sự can dự quân sự của Nga ở quốc gia Trung Đông này. Theo Stratfor, "ở Syria, sự hiện diện của quân đội Nga có thể sẽ ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ mạo hiểm tiến xa hơn về phía Nam so với al-Bab ở miền bắc Aleppo".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thúc đẩy cho một vai trò lớn hơn trong các hoạt động lớn nhằm giải phóng Raqqa, "thủ đô tự xưng" của IS. Chiến lược này có thể khiến Ankara mâu thuẫn với Moskva, có nghĩa rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thực hiện mọi nỗ lực để duy trì mối quan hệ với Nga để tránh sự phức tạp trên thực địa ở Syria.