Hải quân Hoa Kỳ đã hoãn việc loại biên 3 tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga, kéo dài tổng thời gian phục vụ của chúng thêm 10 năm, đó là chiếc USS Gettysburg (CG-64), USS Chosin (CG-65) và USS Cape St. George (CG-71). Những con tàu này từng được dự kiến sẽ "nhận sổ hưu" vào năm 2026 - 2027.
Điều này có nghĩa là những con tàu trên sẽ tiếp tục phục vụ cho đến cuối thập kỷ này, trong trường hợp phân bổ đồng đều thời gian gia hạn được chỉ định. Nhìn chung, quyết định này là bước nối tiếp của bản kế hoạch được công bố gần đây là tăng thêm 48 năm phục vụ cho 12 tàu khu trục mang tên lửa lớp Arleigh Burke.
Để các con tàu có thể hoạt động thêm 3 năm nữa, chúng đã được gửi đi sửa chữa nhằm tăng hạn phục vụ. Ví dụ, chiếc USS Gettysburg (CG 64) đã được sửa chữa trong suốt 6 năm như một phần của chương trình kéo dài tuổi thọ (Ship Life Extension Program - SLEP).
Công việc đại tu con tàu này kéo dài từ năm 2015 đến năm 2021, tiêu tốn 146,3 triệu USD, bao gồm việc lắp đặt phiên bản mới của hệ thống điều khiển hỏa lực Aegis cùng những khí tài tối tân hơn, đi kèm cải tạo nội thất.
Điều đáng chú ý, tuần dương hạm tên lửa lớp Ticonderoga là những con tàu mạnh nhất, nếu không tính tàu sân bay, trong thành phần tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ.
Chúng được trang bị 122 bệ phóng đa năng Mk 41 để bắn tên lửa hành trình Tomahawk, cũng như tên lửa phòng không SM-6, hoặc đạn đánh chặn tên lửa ngoài khí quyển SM-3. Cảm biến chính của tàu tuần dương là radar AN/SPY-1, một phiên bản của radar này cũng đang được lắp đặt trên các tàu khu trục Arleigh Burke.
Tổng cộng, Hải quân Hoa Kỳ có 27 tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga, chiếc đầu tiên được đưa vào sử dụng từ năm 1983. Tuy vậy hiện tại chỉ còn 9 tàu đang hoạt động, một số chiếc vẫn nằm trong diện bị cắt giảm.
Đặc biệt vào năm 2024, 4 tàu tuần dương tên lửa đã được đưa sang Hạm đội Dự bị và 1 chiếc nữa sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay. Sang năm 2025, 3 tàu tuần dương tên lửa USS Philippine Sea (CG-58), USS Normandy (CG-60) và USS Lake Erie (CG-70) dự kiến sẽ bị loại bỏ.
Mặc dù thực tế là những con tàu nói trên, ngay cả trong tình trạng ngừng hoạt động, vẫn có thể đóng vai trò lá chắn chống tên lửa phòng thủ điểm, nhưng ý tưởng như vậy không tìm được cơ sở hợp lý, bởi vì chỉ riêng việc giữ cho những con tàu đó nổi vẫn cần nguồn kinh phí đáng kể.
Tàu chiến vùng duyên hải USS Independence (LCS-2) của Hải quân Mỹ.