Đây được coi là một "siêu" dự án, hình thành nên kết cấu hạ tầng mới giúp Hải Phòng mở rộng và xây dựng không gian đô thị thành phố mới, giảm tải cho khu vực đô thị cũ hiện nay.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác, với thời gian thực hiện 24 tháng.
Mục tiêu là xây dựng khu trung tâm hành chính - chính trị TP Hải Phòng trở thành đại đô thị năng động, thịnh vượng bậc nhất phía Bắc Việt Nam; có kết cấu giao thông, cấp thoát nước, năng lượng, chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, cây xanh, xử lý nước thải, chất thải rắn… đồng bộ, hiện đại.
Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1131/QĐ-TTg ngày 24/6/2016, tạo ra bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng.
Theo Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm đến năm 2025 có quy mô diện tích khoảng 324 ha với dân số 17.500 người.
Khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm chủ yếu về phía bờ Bắc sông Cấm và một phần phía Nam sông Cấm trong khu vực địa giới hành chính các xã Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên); phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền).
Dự án được quy hoạch gồm 4 khu chức năng chính theo trục Bắc - Nam và 3 khu chức năng phụ trợ; trong đó, 4 khu chức năng chính gồm: Khu hành chính - chính trị, khu đa chức năng, khu thương mại, khu cảnh quan mặt nước. Ba khu chức năng phụ trợ gồm: Trung tâm văn hóa, khu ở cao tầng kết hợp khu đa năng, khu Thương mại và cảnh quan mặt nước.
Bố cục không gian tổng thể khu vực quy hoạch sẽ thấp dần về khu trung tâm hành chính - chính trị, tổ chức hai trục không gian chính theo hướng Bắc Nam và theo hướng Đông Tây.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm nhóm A, mang tính chiến lược của thành phố. Bởi vậy, các đơn vị liên quan phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện và cam kết triển khai đảm bảo an toàn, chất lượng hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.
Ban Quản lý dự án cần xây dựng biện pháp, kế hoạch khoa học, cụ thể và phối hợp với đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu thi công để đảm bảo các quy định pháp luật về môi trường, an toàn lao động, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến các hộ dân.