Hải Phòng tăng trưởng trong top đầu cả nước
Những năm vừa qua, thành phố Hải Phòng liên tục tăng trưởng trong top đầu cả nước. Năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố vẫn giữ tăng trưởng 2 con số, đứng đầu toàn quốc.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng năm 2021 đạt 12,38%, thu ngân sách đạt 94.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 5,1 tỷ USD, gấp 3,4 lần so với năm 2020 và đứng vị trí số 1 cả nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều công trình, dự án trọng điểm của Hải Phòng vẫn được khởi công và về đích, như: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; dự án Cầu Rào; cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối Hải Phòng với Hải Dương...
Hải Phòng trở thành "bến đỗ" của nhiều tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2021 đã có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đầu tư vào Hải Phòng, với tổng vốn FDI hơn 327 triệu USD; 52 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, trong đó dự án của LG Display Hải Phòng với 2 lần điều chỉnh và tăng 2,15 tỷ USD vốn đầu tư.
Năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu (GRDP) tăng 13% trở lên so với năm 202, GRDP bình quân đầu người đạt 7.300 USD, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19%-20%. Mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 105 nghìn tỷ đồng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 168 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, thu hút 2,5-3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thành phố Hải Phòng liên tục tăng trưởng trong top đầu cả nước, bộ mặt đô thị TP có nhiều khởi sắc.
Cùng với đó, Hải Phòng cũng phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống mức 3,68%; 86% lao động qua đào tạo; 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) giảm 0,5%; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn…
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, thành phố ưu tiên vốn đầu tư công cho các công trình, dự án trọng điểm được xác định trong Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng cơ chế ưu tiên bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện có số thu ngân sách vượt dự toán được giao. Chú trọng nguồn vốn đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), coi đây là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho thành phố. Hải Phòng đặt kỳ vọng giai đoạn 2021-2025 thu hút vốn FDI từ 12,5 - 15 tỉ USD.
Nhiều dự án lớn đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, sẽ khởi công trong năm 2022, như: Các bến số 5, 6 Cảng nước sâu Lạch Huyện; Dự án Khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện có tổng vốn 11.100 tỷ đồng...
Hải Phòng từ một cực tăng trưởng phải trở thành động lực phát triển
Nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 35 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Hải Phòng phải phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung của cả nước. Trong cuộc làm việc với TP Hải Phòng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm mà TP Hải Phòng cần thực hiện để có sự phát triển hơn nữa và xứng tầm với sự quan tâm của Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Hải Phòng phải phát huy tính tự lực, tự cường hơn nữa để chúng ta phát triển nhanh, bền vững; dựa vào khoa học công nghệ, dựa vào đổi mới sáng tạo, dựa vào chuyển đổi số để phát triển toàn diện về an ninh quốc phòng, kinh tế, trong đó có công nghiệp, phải là công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh; dịch vụ phải tiên tiến, thông minh, tiện lợi; du lịch phải sinh thái, chất lượng cao; nông nghiệp thì phải nông nghiệp xanh, bền vững."
Một trong những vấn đề được các đại biểu rất quan tâm trong chuyến công tác và buổi làm việc của Thủ tướng với Hải Phòng là phát triển hạ tầng cảng biển, logistics.
Theo đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói chung và đường biển nói riêng là yêu cầu cấp bách để giải phóng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững.