Ảnh minh họa: Reuters
Theo một phân tích của Rainforest Foundation Norway, tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ các khu rừng nhiệt đới, việc khai thác gỗ và chuyển đổi đất, chủ yếu cho ngành nông nghiệp, đã xóa sổ 34% diện tích rừng nhiệt đới lâu năm trên thế giới và làm suy thoái thêm 30%, khiến các khu rừng này đối diện nguy cơ bị cháy và tàn phá trong tương lai. Hơn một nửa diện tích rừng bị tàn phá kể từ năm 2002 thuộc về rừng Amazon tại Nam Mỹ và các khu rừng nhiệt đới giáp ranh.
Nhưng Amazon cũng đại diện cho hy vọng lớn nhất để bảo tồn những gì còn lại của rừng nhiệt đới. Theo ông Anders Krogh, một nhà nghiên cứu về rừng nhiệt đới, Amazon và các rừng nhiệt đới lân cận, gồm Orinoco và Andean, chiếm 73,5% diện tích rừng nhiệt đới vẫn còn nguyên vẹn.
Các hòn đảo ở Đông Nam Á, phần lớn thuộc Indonesia, xếp thứ hai về tỷ lệ tàn phá rừng kể từ năm 2002, với phần lớn rừng bị chặt phá để trồng cọ dầu. Trung Phi đứng thứ ba, với phần lớn sự tàn phá tập trung xung quanh lưu vực sông Congo, do hoạt động canh tác và thương mại truyền thống, cũng như tình trạng khai thác gỗ.
Ông Anders Krogh nhận định, rừng nhiệt đới bị phá hủy càng nhiều thì khả năng xảy ra biến đổi khí hậu càng lớn, từ đó khiến các khu rừng còn lại khó tồn tại hơn. Ông cũng cho biết, tổng diện tích rừng bị mất từ năm 2002 đến 2019 đã vượt diện tích của nước Pháp.