Dù dịch bệnh căng thẳng nhưng Australia vẫn tổ chức bắn pháo hoa chào đón năm mới. Trong ảnh là màn pháo hoa chào đón năm 2021 tại cảng Sydney. Ảnh Getty Images.
Số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong một tuần qua, trung bình hơn một triệu ca nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày kể từ ngày 24 đến ngày 30/12.
Tại nhiều quốc gia ghi nhận những kỷ lục mới về số ca nhiễm, chính quyền tuyên bố không tổ chức lễ chào đón vào năm 2022, vì lo ngại rằng biến thể Omicron sẽ "tận dụng" dịp tụ tập này và lây lan mạnh hơn.
Tuy nhiên, vẫn có một nước quyết tâm tổ chức đón năm mới với pháo hoa, bất chấp tình trạng lây nhiễm có chiều hướng chuyển xấu. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gửi lời chúc người dân "tận hưởng bữa tối cuối năm", trong khi ông Dominic Perrottet, Thủ hiến bang New South Wales, kêu gọi mọi người "ra ngoài và tận hưởng năm mới" ngay cả khi số ca nhiễm hàng ngày ở bang này tăng gần gấp đôi lên mức kỷ lục 21.151 ca.
Dù đã đưa ra các quy định về giãn cách xã hội và bắt buộc đeo khẩu trang đối với hoạt động trong nhà ở Sydney, hàng nghìn người dự kiến sẽ đổ về khu vực cảng của thành phố này để thưởng thức màn pháo hoa chào đón năm mới.
Đáng chú ý, Triều Tiên cũng được cho là có kế hoạch chào mừng năm mới với màn bắn pháo hoa lúc nửa đêm tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng.
Theo NK News, các hình ảnh vệ tinh cho thấy công tác chuẩn bị đang được tiến hành với một sân khấu hoành tráng được lắp đặt tại quảng trường.
Tờ Rodong Sinmun đăng tải các bức ảnh chụp các cửa hàng hoa ở Bình Nhưỡng tấp nập khách hàng đeo khẩu trang chuẩn bị cho buổi lễ. Triều Tiên đã phong tỏa biên giới sau khi đại dịch bắt đầu và chưa báo cáo ca nhiễm COVID-19 nào cho đến nay.
Trong khi đó, nước láng giềng Hàn Quốc lại không có được bầu không khí vui tươi như vậy. Lễ đánh chuông vào lúc nửa đêm theo truyền thống đã bị hủy bỏ trong năm thứ hai trong khi nhà chức trách thông báo gia hạn các quy định về giữ khoảng cách nghiêm ngặt hơn trong hai tuần để đối phó với sự gia tăng liên tục của các ca nhiễm COVID-19.
Trung Quốc cũng đang cảnh giác cao độ, trong bối cảnh thành phố Tây An với 13 triệu dân đang bị phong tỏa và các sự kiện chào đón năm mới ở các thành phố khác cũng bị hủy bỏ.
Nhà chức trách ở thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ đóng cửa 11 con đường thường thu hút đông người đón năm mới, trong khi Malaysia đã cấm các cuộc tụ tập lớn trên toàn quốc và hủy bỏ màn bắn pháo hoa hoành tráng tại Tháp đôi Petronas ở thủ đô Kula Lumpur.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã kêu gọi mọi người khẩu trang trong các bữa tiệc và hạn chế số người tham dự, trong khi khu giải trí Shibuya nổi tiếng của Tokyo cũng công bố "không tiếp khách" dịp đón năm mới.
New Zealand, nổi tiếng với thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, tổ chức một số sự kiện ăn mừng năm mới. Thành phố Auckland đã nới lỏng các hạn chế trong tuần này để cho phép mọi người tận hưởng một số hoạt động nhất định.
Các nhà chức trách Ấn Độ bắt đầu áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt, ngăn chặn các cuộc tụ tập lớn với lệnh giới nghiêm ban đêm ở tất cả các thành phố lớn, các nhà hàng buộc phải hạn chế số lượng khách.