Hoạt tử nhân mộ
Trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Hoạt tử nhân mộ là mật thất nằm ẩn dưới chân núi Chung Nam, nó là cơ sở của phái Cổ Mộ. Vốn dĩ là nơi này lúc đầu do Giáo chủ Toàn Chân giáo Vương Trùng Dương xây lên. Hoạt tử nhân mộ được chuyển quyền sở hữu sang Lâm Triều Anh sau khi vị nữ hiệp này thắng cuộc trong một lần thi đấu Vương Trùng Dương.
Hoạt tử nhân mộ nằm ẩn dưới chân núi Chung Nam, gắn liền với mối tình của hai đại cao thủ là Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh.
Hoạt tử nhân mộ tuy gọi là mộ phần, nhưng thực ra là một cái nhà kho rất lớn ngầm dưới lòng đất. Trước khi nổi dậy chống Kim, Vương Trùng Dương đã điều động mấy ngàn nhân lực xây dựng mấy năm mới xong, cất giấu ở đây khí giới, lương thực, làm căn bản cho một dải Sơn - Thiểm, bên ngoài có hình dạng một ngôi mộ, để che tai mắt của quân Kim.
Lại sợ quân Kim tấn công vào, nên bên trong bố trí vô số cơ quan xảo diệu để chống ngoại địch. Sau khi nghĩa binh thất bại, Vương Trùng Dương lui về đây ẩn cư.
Về sau Lâm Triều Anh vào cư trú nơi này, tìm hiểu một số môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc nữ tâm kinh.
Có một lần sau khi Lâm Triều Anh qua đời trong cổ mộ, Vương Trùng Dương có đến ngôi cổ mộ và thấy võ công Ngọc nữ tâm kinh được Lâm Triều Anh khắc lên hết sức tinh vi ảo diệu, mỗi chiêu đều là khắc tinh của võ công phái Toàn Chân, thì bất giác tái mặt, lập tức rời tòa nhà mồ, vào rừng sâu, ba năm liền không xuống núi, nghiền ngẫm cách hóa giải Ngọc nữ tâm kinh, tuy một số chỗ có thành tựu, nhưng cuối cùng vẫn không tạo thành một bộ võ công hoàn chỉnh.
Lâm Triều Anh tuy là nữ nhân, nhưng có võ công vô cùng lợi hại.
Sau lần Hoa Sơn luận kiếm thứ nhất, Vương Trùng Dương trở thành thiên hạ đệ nhất, sở hữu Cửu âm chân kinh, ông xem qua và dựa vào đó nghĩ ra cách hóa giải được Ngọc nữ tâm kinh nên đã đem Cửu âm chân kinh khắc trong mộ để hậu nhân của phái Cổ Mộ biết được.
Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh cả đời không kết hôn Hoạt tử nhân mộ này là cái chung duy nhất của hai người bọn họ. Vương Trùng Dương xây lên phần xác, Lâm Triều Anh thổi vào nó phần hồn. Thế nhưng cả hai người sáng lập, lòng đều nguội lạnh như tro tàn, bởi thế Hoạt tử nhân mộ có nghĩa nôm na là "mộ của người chết còn hoạt động". Phái Cổ Mộ chính là kết tinh võ học nảy sinh từ vết thương lòng của Lâm Triều Anh.
Mộ kiếm của Độc Cô Cầu Bại
Trong xuyên suốt các tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng của cố nhà văn Kim Dung , Độc Cô Cầu Bại được coi là một nhân vật huyền thoại, từ thuở võ lâm sơ khai, ông đã được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp tuyệt học Độc cô cửu kiếm.
Thần điêu dẫn Dương Quá đến mộ kiếm của Độc Cô Cầu Bại.
Trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, nhân vật chính Dương Quá có cơ hội gặp được Thần điêu - con vật được cho là người bạn cuối đời của Độc Cô Cầu Bại, sau khi gặp gỡ, Thần điêu dẫn Dương Quá đến mộ của Độc Cô Cầu Bại, dựa trên những manh mối tại nơi này, Dương Quá biết được rằng Độc Cô Cầu Bại là một người sở hữu kiếm thuật vô song, một thời tung hoành thiên hạ.
Sau khi biết cả thiên hạ không một ai địch được nổi kiếm thuật mình sáng tạo nên, Độc Cô Cầu Bại đã chọn ẩn danh giang hồ, lui về sống quãng đời buồn bã còn lại với Thần điêu.
Trước khi chết, ông đã lập mộ chôn 5 thanh kiếm của mình và đặt lời chú giải triết lí cho mỗi thanh kiếm. Theo đó, 2 thanh kiếm đầu tiên của Độc Cô Cầu Bại mà Dương Quá tìm được đều có thiết kế lưỡi sắc bén, hình dạng được đúc khá hoa mỹ, tượng trưng cho một thời trai trẻ ngông cuồng của Độc Cô Cầu Bại khi đấu chiến với cả đồng đạo võ lâm.
Thanh kiếm thứ 3 là Huyền Thiết Trọng Kiếm - được mô tả giống như một thanh sắt lớn chứa đựng sức nặng ngàn cân, lưỡi không sắc ngược lại còn cùn, Dương Quá biết khi Độc Cô Cầu Bại còn sống, trước khi sáng tạo nên bộ kiếm pháp Độc cô cửu kiếm đã sử dụng thanh kiếm kỳ quặc này để tự rèn luyện.
Dương Quá và Huyền Thiết Trọng Kiếm.
Khi tới kiếm mộ thứ 4 của Độc Cô Cầu Bại, thứ Dương Quá tìm được không phải là một thanh kiếm mà chỉ là một cành cây liễu trúc đã rũ mục từ lâu. Bên cạnh kiếm mộ được khắc kèm văn phổ: "Sau bốn mươi tuổi, không mang binh khí, Thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm". Ở tuổi 40, đối với Độc Cô Cầu Bại thì thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm.
Xem tới đây, Dương Quá tỏ ra kinh ngạc và phải thốt lên rằng: "Lão nhân Độc Cô quả thực là một bậc kỳ tài kiếm học chốn võ lâm, nếu giờ vẫn còn thọ thì lục đại môn phái cũng sớm phải tới quỳ gối bái sư!". Đoạn nói, Dương Quá tiến tới khai phá kiếm mộ thứ 5 của lão nhân Độc Cô nhưng chỉ thấy đó là một phiến đá trắng, bên dưới không thấy chôn kiếm hay loại vũ khí nào khác, đoán là có sự nhầm lẫn nên Dương Quá đã bỏ đi.
Cũng từ tình tiết này, Dương Quá cho rằng việc một người luyện thành kiếm pháp Độc cô cửu kiếm, có thể sử dụng cành trúc cây liễu thay lưỡi kiếm sắc bén là đã đạt đến cảnh giới cao nhất của bộ kiếm pháp tuyệt đỉnh này. Tuy nhiên, tính "vô chiêu thắng hữu chiêu" được nhắc tới trong bộ kiếm pháp Độc cô cửu kiếm lại là việc sử dụng kiếm khí (tức là vận nội lực thành khí sát, dồn đẩy toàn bộ lên tay, biến tay không mà như sở hữu một thanh kiếm sắc bén). Đó cũng là lý do vì sao khi tìm tới kiếm mộ thứ 5, Dương Quá chẳng thể nhìn thấy thanh kiếm cuối cùng của lão nhân Độc Cô Cầu Bại.