Mặc dù chính quyền Tokyo đã thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số, với các chính sách chính của quốc gia này đã được thực hiện trong năm nay, nhưng việc chuyển đổi có thể không dễ dàng. Bởi hiện tại, các quan chức từ các bộ khác nhau vẫn không thể tổ chức hội nghị từ xa cùng nhau và rất ít công việc hành chính của họ có thể được thực hiện trực tuyến, theo Reuters.
"Thiếu sự đầu tư kỹ thuật số của chính phủ đã cản trở năng suất và hiệu quả tại khu vực tư nhân", Takuya Hoshino, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi cho biết.
Trong chiến lược chính sách giữa năm của mình, chính phủ tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc số hóa chính quyền đã lỗi thời của mình, điều đã trì hoãn việc cung cấp các khoản thanh toán tiền mặt để giúp công dân của họ vượt qua đại dịch.
Và phần lớn vấn đề bắt nguồn từ sự ưu tiên của Nhật Bản đối với các tài liệu giấy và con dấu trong việc phê duyệt tại các văn phòng chính phủ.
"Giấy tờ và con dấu giấy vẫn còn phổ biến. Các chính trị gia mà tôi giao dịch cũng thích các cuộc gặp mặt trực tiếp", một quan chức chính phủ nói với Reuters với điều kiện giấu tên.
Thêm vào đó là bộ máy quan liêu có cấu trúc theo chiều dọc của Nhật Bản: ví dụ, mỗi bộ cũng như chính quyền địa phương đã phát triển các hệ thống máy tính của riêng họ, thứ không tương thích với nhau.
"Hiện tại, mỗi bộ đã phát triển mạng LAN riêng với nhiều nhà cung cấp khác nhau, gây khó khăn cho việc tổ chức hội thảo từ xa vì sự khác biệt trong chính sách bảo mật trực tuyến của họ", một quan chức phụ trách chiến lược CNTT, từ chối nêu tên, chia sẻ.
Tại Nhật Bản, chưa đến 12% công việc hành chính được giao dịch trực tuyến, theo Viện nghiên cứu Nhật Bản.
Nhìn chung, nó có thể tiêu tốn của chính phủ 323 triệu giờ làm việc mỗi năm nếu không chuyển sang kỹ thuật số, và con số này có thể chuyển thành chi phí nhân sự gần 8 tỷ USD, theo ước tính của một hội đồng cải cách quy định của chính phủ đưa ra trong một báo cáo công bố vào tháng 7 năm ngoái.
Những hạn chế kỹ thuật số đã khiến cho hình ảnh của Nhật Bản - một trong những quốc gia công nghệ cao hàng đầu thế giới - giảm sút đi trên thực tế. Theo một cuộc khảo sát về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số bởi IMD Thụy Sĩ thì nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang đứng thứ 23 trong số 63 quốc gia, thậm chí tụt hậu so với một số quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc.
OECD Digital Economy Outlook xếp Nhật Bản ở vị trí thấp nhất trong số 31 quốc gia về thủ tục trực tuyến, với chỉ 5,4% công dân sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số tại các văn phòng công cộng, thấp hơn Đan Mạch, Estonia và Iceland khoảng 70%.
Seiji Kihara, cựu quan chức của Bộ Tài chính, hiện giữ chức phó trưởng ban chính sách của đảng cầm quyền, cho biết các quan chức trẻ đang chạy khắp nơi với một đống tài liệu để xin được con dấu của quản lý, giống như thời mà ông ở đó hai mươi năm trước.
"Bây giờ họ đang làm khá nhiều thứ giống nhau", ông nói.
Tham khảo Reuters