Hai mẹ con đi ăn mỳ bị chủ quán hét giá 6,8 triệu đồng/bát, lúc sau người bị cảnh sát bắt lại là bà mẹ

Hiểu Đan |

Không phải ai cũng thông minh như ông chủ nhà hàng này.

Một người phụ nữ trung niên ở Trung Quốc cùng con đi ăn mì cay, ông chủ đòi 2.000 Nhân dân tệ (hơn 6,8 triệu đồng), bà tức giận đến mức đòi gọi đến Cục Công thương báo cáo. Sau đó cư dân mạng lại khen ngợi chủ cửa hàng. Chuyện gì đã xảy ra?

Được biết, chủ quán họ Tống đã kinh doanh quán mì này được 5 năm. Khoảng chín giờ sáng hôm đó, quán chỉ có ba người ăn mì. Lúc này, có hai mẹ con đi vào. Người phụ nữ lớn tuổi nhìn rất hung dữ, còn cô bé thì cúi đầu như sợ hãi.

Khi nhìn thấy, ông chủ tưởng rằng đứa trẻ vừa bị mẹ mắng. Thậm chí lúc người phục vụ mang thực đơn đến, đứa trẻ vẫn không dám ngẩng đầu lên nhìn.

Hai mẹ con đi ăn mỳ bị chủ quán hét giá 6,8 triệu đồng/bát, lúc sau người bị cảnh sát bắt lại là bà mẹ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Ăn gì?" - Người phụ nữ đẩy thực đơn đến trước mặt và yêu cầu con gọi món, nhưng đứa trẻ mãi không quyết định. "Bà mẹ" trông càng ngày càng thiếu kiên nhẫn, chỉ vào tô mì rẻ tiền nhất rồi nói: "Cho bát này và thêm một ít ớt". Người phục vụ nhắc nhở: "Ớt ở đây khá cay. Trẻ em không ăn được. Chúng tôi có thể nấu cho chị tô bình thường".

"Chỉ cần làm cay thôi, đừng nói nhiều. Muốn dạy khách hàng phải không? Chỉ trỏ thật khó chịu!", người phụ nữ đáp. 

Nhân viên sau đó phàn nàn với ông chủ: "Người phụ nữ đó thật đáng sợ. Tôi chỉ nhắc nhở trẻ con không nên ăn cay quá liền bị mắng. Đã thế cánh tay của con bé đầy vết bầm tím, chắc là bà ta đã đánh con".

Chủ quán quyết định đích thân phục vụ để xem tình hình như thế nào. Ông nhìn vào cánh tay của cô bé, quả thực đầy vết bầm tím, từng cử chỉ của họ cũng không giống hai mẹ con chút nào, trái lại có cảm giác như không quen biết nhau.

Thấy bát mì mới mang ra không có nhiều ớt, người phụ nữ trút hết lọ ớt trên bàn vào tô, khuấy đều, đẩy tới trước mặt đứa trẻ. Nước súp nóng bắn thẳng vào cánh tay, cô bé theo phản xạ né ra liền bị "mẹ" đá vào chân. Đứa trẻ cúi mặt ăn, vì quá cay nên cả khuôn mặt đều đỏ bừng, hai mắt sưng lên, vừa ăn vừa khóc.

Càng quan sát, người chủ quán càng tin rằng có vấn đề. Cho dù người kia có là mẹ ruột hay không thì ông cũng phải gọi cảnh sát nhờ can thiệp. Nếu là mẹ thật thì hành vi của người phụ nữ sẽ liên quan đến bạo lực gia đình, còn không thì sự việc lại càng nghiêm trọng hơn.

Lúc này, người phụ nữ đã đến quầy tính tiền. Bà ta hách dịch hỏi giá tiền tô mì, rồi móc ra tờ hai mươi tệ. Ông Tống nói lớn: "Bát mì giá 2.000 tệ". "Bà mẹ" giận đến nỗi trợn trừng mắt, sau đó còn đòi gọi cho Cục Công thương để phản ánh bị chặt chém. Hai bên dùng dằng qua lại. Một lúc sau, cảnh sát đến nơi. 

Sau khi điều tra, họ phát hiện ra hai người này hoàn toàn không phải là mẹ con. Người phụ nữ là một kẻ buôn người. Bà ta bắt cóc đứa trẻ hai ngày trước, quá đói nên phải ghé vào ăn mì. Đứa trẻ bị dọa giết, không dám hó hé cầu cứu một lời. Nhận được cuộc gọi, cha mẹ cô bé đã đến đồn cảnh sát nhận con. Họ đến gặp ông chủ Tống để bày tỏ lòng biết ơn, kẻ buôn người cũng bị trừng phạt thích đáng.

Dạy con cách ứng xử trong tình huống nguy hiểm

Trên thực tế, nhiều cha mẹ thường chủ quan trong việc dạy con những kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc hay cách xử lý nếu rơi vào tình huống nguy hiểm. Từng có những đứa trẻ khôn ngoan thoát được cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" khi bị bắt cóc nhờ học được những mẹo nhỏ. Chẳng hạn đứa trẻ trong câu chuyện trên, nếu biết cách ra tín hiệu cầu cứu thì có thể tự cứu mình mà không cần đợi chủ quán báo cảnh sát.

Dưới đây là một số gợi ý cho bố mẹ:

Dạy con nói "Không"

Trẻ cần được dạy cách nói "không" với người lớn nếu đó không phải cha mẹ hoặc người thuộc danh sách đáng tin tưởng. Trong các buổi nói chuyện, cha mẹ có thể tạo ra các tình huống giả định xem trẻ phản ứng thế nào khi có người lạ lại gần bắt chuyện, cho kẹo hoặc yêu cầu giúp đỡ.

Lập danh sách người mà bạn có thể tin tưởng - những người có thể đón trẻ từ trường về nhà và ngược lại. Đó có thể là người thân, hàng xóm hoặc người trông trẻ. Bố mẹ nhớ dặn kỹ con không nói chuyện với người lạ, trừ những người thuộc danh sách này. Để chắc chắn hơn, nên tạo mật mã bí mật chỉ con con, cha mẹ và "người tin tưởng" biết.

Phát tín hiệu bản thân đang gặp nguy hiểm

Trẻ em thường la hét và ăn vạ mỗi khi tức giận, bởi vậy khi gặp nguy hiểm, chỉ la hét không, chưa chắc người khác biết bé đang gặp nguy hiểm. Cha mẹ cần dạy thêm con hét những câu cầu cứu như: "Cô ra đi, con không quen biết cô" hoặc "Bố mẹ ơi cứu con với" khi bị kẻ xấu bắt đi.

Gây chú ý với hành động phá hoại

Nếu la hét không có tác dụng, bố mẹ cần dạy con có thể phá hư đồ vật trong quá trình bị kẻ xấu lôi đi. Ví dụ con có thể đập vỡ mọi thứ trên kệ nếu kẻ bắt cóc đang trong một cửa hàng hoặc dùng đá đập vỡ cửa kính ô tô.

Ký hiệu cần giúp đỡ

Để ra ký hiệu, ta chỉ cần giơ tay lên với lòng bàn tay hướng ra ngoài, rồi gập ngón cái hướng vào lòng bàn tay, sau đó gập các ngón tay còn lại trùm vào ngón cái. Đây là một ký hiệu quan trọng bố mẹ nên dạy con. Vì thứ nhất là ký hiệu quốc tế, thứ hai là sign language (ngôn ngữ ký hiệu) dùng tay nên có thể truyền đạt thông tin ngay cả khi không biết ngôn ngữ.

Hai mẹ con đi ăn mỳ bị chủ quán hét giá 6,8 triệu đồng/bát, lúc sau người bị cảnh sát bắt lại là bà mẹ- Ảnh 2.

Thậm chí, việc biết ngôn ngữ ký hiệu có thể giúp con tự cứu bản thân khỏi những tình huống nguy hiểm, như bị bắt cóc. Thực tế là năm 2021, một thiếu niên mất tích ở Mỹ đã được giải cứu nhờ làm ký hiệu tay cầu cứu và được một người đi đường nhận thấy và gọi báo cho cảnh sát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại