Hái lộc Giao thừa và đầu xuân thế nào cho đúng để "rước tài lộc" về nhà?

Thanh Tú |

Theo một số chuyên gia, thay vì bẻ cành, bứt cây để "hái lộc", mọi người có thể mua vài cây mía, mua chậu cây nhỏ...

Theo quan niệm dân gian, vào thời khắc Giao thừa và sáng mùng 1 Tết, mọi người thường đến đình, chùa, phủ, đền để hái cành lộc non mang về, với ý nghĩa "rước tài lộc, may mắn, sức khỏe" về cho bản thân và gia đình.

Xưa kia, người ta chỉ chọn hái một cành rất nhỏ của những cây sung, si, sanh, đa, đem về cắm vào lọ hoa trên bàn thờ hay treo trước nhà. Sở dĩ mọi người chọn hái lộc 4 loại cây trên vì chúng vốn là cây có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ.

Phong tục hái lộc đầu xuân mang ý nghĩa về mặt giá trị tinh thần. Tuy nhiên, đã có nhiều người hiểu lầm về tục này và cho rằng hễ cứ hái lộc to thì sẽ được nhiều may mắn. Điều đó dẫn đến việc có người nhổ cả cây non, bẻ cành to, cưa cây... mang về.

GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) bày tỏ với Lao động, quan niệm hái cành lộc càng to thì càng nhiều may mắn là sai lầm, không phù hợp với tín ngưỡng, đồng thời còn hủy hoại môi trường.

"Xưa kia, thường là sau giao thừa hoặc trong 3 ngày Tết, nhiều người đi lên chùa xin lộc, chứ không phải biến thành chuyện tàn phá cây cối vừa thiếu văn hóa, không có tri thức và hiểu biết. Hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây", nguồn trên dẫn lời GS Thịnh.

Vị này chia sẻ trên Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam, không có chuyện hái lộc non đầu xuân thì sẽ mang lại may mắn và sức khỏe, tài lộc cho bản thân, gia đình. Do vậy, tốt nhất mọi người không nên hái chồi non hay bẻ cành vào đầu năm mới.

Theo TS Trần Hữu Sơn (Phó Chủ tịch Thường trực hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), cần tuyên truyền để lớp trẻ không bẻ lộc đầu năm, nhằm hạn chế tình trạng cây cối bị tàn phá đêm Giao thừa.

Hái lộc theo ông Sơn có thể hiểu là người dân lên chùa thắp hương để cầu mong tài lộc, may mắn cho năm mới. Tại các chùa, phủ... có thể chuẩn bị sẵn cành lộc để phát cho người dân.

Hiện ở nhiều chùa, đền thường cấm người dân tự ý bẻ cành, hái lộc để không làm hỏng cây cối cũng như cảnh quan trong chùa, thay vào đó là tiến hành phát cành lộc vàng.

Theo một số chuyên gia, thay vì bẻ cành, bứt cây để "hái lộc", mọi người có thể mua vài cây mía, mua chậu cây nhỏ hoặc cành vàng lá ngọc mang về. Khi đi lễ đầu năm, việc cầu khấn thành kính với tâm trong sáng, xin những điều tốt lành, may mắn cho bản thân, gia đình, cũng là hình thức hái lộc theo đúng nghĩa.

Đại đức Thích Trí Hiến, chùa Hưng Khánh (Bình Định) bày tỏ trên Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam, mỗi người muốn hưởng nhiều lộc, nhiều phước, có cuộc sống tốt lành thì cần gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc, cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân bằng cách nói, nghĩ và làm việc thiện.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại