Bên cạnh những cây quýt hôi (hay quýt hoi) mọc tự nhiên, người dân đã trồng thêm nhiều cây mới trên những ngọn núi cao thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, ở bản Pà Ban, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Thân cây quýt hôi có cành lá xum xuê và cao hàng chục mét. Cây thường mọc ở những nơi thưa thớt nên tán lớn.
Quýt hôi có hình dáng quả, lá khá giống quất cảnh chơi tết.
Theo người dân địa phương, mùa thu hoạch quả quýt hôi thường từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12 hàng năm.
Người dân có thể trèo hẳn lên các cành cây ở trên cao để hái quả.
Ở Pà Ban, khoảng 70 hộ gia đình có đồi đều có cây quýt hôi, nhiều gia đình có đến hàng trăm cây quýt trên núi (nương, rẫy - PV).
Chị Ngân Thì Phiều (người dân Pà Ban) cho hay, gia đình chị năm nay có khoảng 50 cây quýt hôi cho thu hoạch sản lượng gần 1 tấn; với giá bán dao động từ 9.000 đến 15.000 đồng/kg, gia đình chị có thêm thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
Việ thu hoạch quả quýt hôi không quá vất vả.
Quả quýt hôi được ngâm làm thuốc ho, siro, nước rửa chén và dùng làm trà để uống.
Anh Ngân Văn Chàng (bản Pà Ban) cho biết: ''Cây quýt hôi này có từ rất lâu đời rồi, chúng tôi đang muốn chiết cành, ươm giống để mở rộng diện tích, xem như cây bản địa''.
Được biết, mùa vụ năm nay, người dân bản Pà Ban thu hoạch được khoảng 10 tấn quả, được một số công ty thu mua về chế biến thành nhiều sản phẩm, đặc biệt nhất là trà quýt hôi.
Hiện nay toàn huyện Bá Thước có khoảng 60ha quýt hôi mọc tự nhiên lẫn trồng mới ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn... Huyện đang quan tâm phục tráng gắn với chế biến, tiêu thụ, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP.