Một người không thể sống cả đời một mình, dù ít dù nhiều cũng phải có một vài mối liên hệ. Không có đội nhóm, chúng ta có thể không hoàn thành được một số việc, và thậm chí không có cách nào để sống.
Ngoài việc hòa nhập và kết bạn, có hai vòng tròn quan hệ rất quan trọng: Hàng xóm và họ hàng - những người nằm ngoài sự lựa chọn của riêng chúng ta. Làm thế nào để hòa thuận với hàng xóm và người thân đã trở thành một câu hỏi mà mọi người nên suy nghĩ.
Tuy nhiên người xưa cũng đã có lời khuyên: Hai kiểu láng giềng không kết giao, hai loại họ hàng không qua lại. Lời dạy hàm chứa nhiều trí tuệ, có lẽ cả đời chúng ta cũng không học hết được.
Hai kiểu hàng xóm không kết giao
Người ta thường nói “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, không phải không có lý.
Mỗi người đều có gia đình riêng của mình, và chỉ cần sở hữu một căn nhà thì cũng có dăm ba hàng xóm. Nếu có người hàng xóm tốt và nhận được sự giúp đỡ của họ khi gặp khó khăn, đó xem như là phúc phần may mắn của bạn. Cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều khi được người xung quanh giúp đỡ. Nhưng có hai kiểu láng giềng không thể kết giao:
Thứ nhất là người vô ơn.
Sống chung với nhau trong một cộng đồng, cụ thể là cùng làng cùng xóm hay nhỏ hơn là cùng một con đường, một chung cự, giúp đỡ nhau cũng là chuyện vô cùng thường tình. Không cần gì to tát, đôi khi chỉ là chút quả ngọt, cái bánh ngon, hoặc nhà người này hư ống nước, nhà bên cạnh qua giúp đỡ… đều là điều nên làm.
Nhưng một số người coi lòng tốt của đối phương dành cho mình là điều hiển nhiên và “trốn biệt tăm” khi người khác cần giúp đỡ. Một khi có dấu hiệu như vậy, bạn nên cố gắng tránh xa càng nhiều càng tốt, về sau chỉ chào hỏi xa giao.
Thứ hai là người ích kỷ.
Một bà mẹ kể câu chuyện của mình trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và tâm sự) rằng: Một người hàng xóm thường nhân lúc cô mở cửa đi chợ thường nhờ cô tiện thể mua giúp bó rau, đôi khi là chùm ớt, củ tỏi… nhưng không bao giờ trả tiền. Mặc dù không đáng bao nhiêu nhưng cô rất khó chịu với cách cư xử này. Mà từ chối càng không được, cô sợ họ sẽ nghĩ cô sống ích kỷ. Nên cứ thế chịu đựng trong thầm lặng.
Nếu có một người hàng xóm như vậy, mạnh dạn từ chối và nói thẳng mới là biện pháp tốt nhất, nếu không bạn sẽ luôn là người chịu thiệt. Người trưởng thành là phải biết cách từ chối. Một mối quan hệ thật sự là phải đảm bảo cân bằng hai bên, người đáng kết giao sẽ không vì sự khước từ của bạn mà “nghỉ chơi”.
Hai loại họ hàng không qua lại
Hẳn rằng ai cũng cho rằng người thân rất quan trọng, bởi vì có quan hệ huyết thống nên tự nhiên có tình cảm chân thành. Nhưng thực tế lại phũ phàng thế đấy. Không phải cứ là họ hàng thì có thể sống hòa thuận với nhau. Thậm chí quan hệ càng gần thì càng dễ phát sinh mâu thuẫn, nhất là những khi động chạm đến chuyện tiền bạc, lợi ích.
Thứ nhất, người chỉ biết lợi ích. Có lẽ bạn cũng từng gặp phải kiểu họ hàng “thấy sang bắt quàng làm họ”, bình thường không thấy đâu, nhưng đến khi bạn phát tài thì vây lại xung quanh nói lời ngon ngọt. Hoặc là ban đầu đang yên đang lành, nhưng khi bạn sa cơ lỡ vận thì “tránh xa như tránh tà”, một cái dang tay cưu mang cũng không có.
Đương nhiên “người không vì mình thì trời tru đất diệt”, chúng ta cũng không thể trách họ vì chung quy họ cũng chỉ muốn tốt cho bản thân. Song cũng vì thế mà chúng ta nhìn thấu được bản chất, để từ đó tránh xa, không kết thâm giao.
Trong mắt họ chỉ có lợi ích, còn quan hệ huyết thống chẳng là gì, thậm chí còn không bằng một người bạn tốt như bạn.
Thứ hai, người biếng nhác thành thói. “Mọi điều xấu xa đều bắt nguồn từ sự lười biếng” không phải là không có đạo lý.
Ở đây không có nghĩa là tuyệt tình không giúp đỡ họ, nhưng nếu người họ hàng này không làm gì, mỗi ngày chỉ biết ăn không ngồi rồi và chờ đợi miếng ăn tài lộc từ người khác thì mọi sự giúp đỡ sẽ trở nên vô ích.
Người ta có câu: Cho người tiêu tiền, không bằng dạy người cách kiếm tiền. Nhưng người mà đã không có chí thì cho dù bạn giúp đỡ nhiều đến mấy thì tình trạng của họ cũng không thể được cải thiện.