Hai câu hỏi lịch sử gây tranh cãi gay gắt, BTC Đường lên đỉnh Olympia giải đáp nóng

Thiên Thanh |

Trước tranh cãi, phản đối đáp án của khán giả, Ban tổ chức chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 22 đã lên tiếng giải đáp.

Sau khi Chung kết Đường lên đỉnh Olympia kết thúc, trên khắp các diễn đàn khán giả vẫn tranh cãi dữ dội xoay quanh tính chính xác các câu hỏi và đáp án của chương trình. Trong đó, có hai câu hỏi lịch sử vẫn đang gây "lấn cấn" nhất.

Mới đây, trên trang Fanpage chính thức của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã đăng tải bài viết giải đáp về một số câu hỏi trong cuộc thi chung kết. Phần giải đáp này được Nhà sử dọc Lê Văn Lan - thành viên của ban cố vấn cung cấp thông tin.

Cụ thể, với câu hỏi lịch sử trong phần thi về đích của thí sinh Bùi Anh Đức (THPT Chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La), câu hỏi đưa ra với nội dung: "Dân gian có những câu: 'Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập'. Ở đây, "Ba vương" là ba vị vua nào?".

Ban tổ chức đã đưa ra câu trả lời: Hiệp Hoà, Kiến Phúc và Hàm Nghi. Tuy nhiên, nhiều khán giả nghi ngờ về độ chính xác thông tin, cho rằng vua Hàm Nghi không thể nằm trong câu vè này. Sau cùng, chương trình đính chính đáp án này là không sai.

Hai câu hỏi lịch sử gây tranh cãi gay gắt, BTC Đường lên đỉnh Olympia giải đáp nóng - Ảnh 1.

Phần giải đáp câu hỏi của chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: Đường lên đỉnh Olympia

Câu hỏi "lấn cấn" thứ hai là trong phần thi Về đích của thí sinh Vũ Bùi Đình Tùng (THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng), với câu hỏi "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?".

Đáp án của chương trình đưa ra là "Đại Nam nhất thống toàn đồ", trong khi đó, Đình Tùng trả lời "Đại Nam thống nhất toàn đồ". Với câu hỏi này, ngay tại chương trình trực tiếp, MC đã xin ý kiến ban cố vấn, Nhà sử học Lê Văn Lan đã trả lời và chấp nhận đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ".

Nhiều khán giả cho rằng "thống nhất" và "nhất thống" có ý nghĩa rất khác nhau. Để giải đáp thắc mắc của khán giả, Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết thêm: "Điều quan trọng ở đây, học sinh đã có sự chủ động tìm hiểu nắm bắt kiến thức về một tấm bản đồ quan trọng, giúp khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Câu trả lời không làm người nghe hiểu lầm sang một tấm bản đồ khác, tránh tầm chương trích cú. Vì vậy, học sinh hoàn toàn xứng đáng có điểm và phải được điểm trong câu trả lời đã đưa ra".

Hai câu hỏi lịch sử gây tranh cãi gay gắt, BTC Đường lên đỉnh Olympia giải đáp nóng - Ảnh 2.

Câu hỏi "lấn cấn" thứ hai được chương trình giải đáp. Ảnh: Đường lên đỉnh Olympia

Trước đó, ban tổ chức cuộc thi Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 22 đã xin lỗi vì sai sót khi không công nhận đáp án đúng của thí sinh Bùi Anh Đức (THPT Chuyên Sơn La).

Cụ thể trong câu hỏi tiếng Anh trị giá 30 điểm trong phần thi Về đích của thí sinh Vũ Nguyên Sơn (THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam). Khi Nguyên Sơn không đưa ra được đáp án và Anh Đức bấm chuông giành quyền trả lời, đáp án mà Anh Đức đưa ra là "Bond" nhưng không được chấp nhận. Đáp án của chương trình cho câu hỏi này là: "Brotherhood".

Tuy nhiên, sau khi chương trình kết thúc, qua kiểm tra lại với ban cố vấn tiếng Anh, chương trình đã lên tiếng đính chính và chấp nhận câu trả lời của Bùi Anh Đức. Chương trình cho hay, trong câu hỏi trên có hai đáp án là Bond và Brotherhood. Cũng theo BTC, sai sót này đã thay đổi điểm số của 4 thí sinh nhưng không làm thay đổi thứ hạng của các thí sinh trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại