Hai bé bị điện giật tử vong tại TPHCM: Bất cẩn hay thiếu trách nhiệm?

Vinh Quang |

Đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng là tiêu chí sống còn và được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng làm tốt việc này.

Chứng kiến cảnh tượng những cọng dây điện to như cổ tay để lồ lộ trên một ụ đất tại Công trình thi công tuyến đường vành đai 2 nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao Gò Dưa quận Thủ Đức (TPHCM) ai nấy đều phải rùng mình.

Hai bé bị điện giật tử vong tại TPHCM: Bất cẩn hay thiếu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Những cọng dây điện như cổ tay để lộ thiên và bị rò rỉ điện.

Đây là đường dây 3 pha với dòng điện lên tới 380kv, thay vì phải lắp đặt trên cao hoặc đi ngầm sâu dưới đất thì đơn vị thi công lại để vắt vẻo trên cành cây kéo dài loằng ngoằng xuống mặt đất ẩm ướt và hoàn toàn không được rào chắn cách ly để đảm bảo an toàn.

Sự tùy tiện này đã gây ra tai nạn thương tâm khiến 2 em nhỏ tử vong, 1 em vẫn đang phải cấp cứu.

Ông Trần Văn Hiếu, người dân Tam Bình, quận Thủ Đức bức xúc: "Tại sao một công trình lớn như vậy mà không cắt cử bảo vệ trông coi? Không có những biện pháp ngăn chặn hoặc có người giám sát kiểm tra an toàn về điện, bây giờ xảy ra hai đứa nhỏ bị điện giật như vậy, tôi nghĩ đơn vị thi công công trình phải đứng ra chịu trách nhiệm đối với vụ việc này".

Thực tế tại hiện trường, cả cụm khu dân cư đang phải đối diện với những nguy hiểm luôn rình rập xảy ra bất cứ lúc nào từ công trình này. Bởi từ nhà dân đến địa giới công trường chỉ vỏn vẹn 5m và cách hiện trường vừa xảy ra tai nạn chưa đầy 20m.

Giữa công trường và khu dân cư hoàn toàn không có rào chắn, cô lập cách ly. Nhiều người dân tại địa phương cho rằng, vụ tai nạn đau lòng xảy ra không phải do bất cẩn mà là do thiếu trách nhiệm trong kiểm tra giám sát, đảm bảo an toàn lao động.

Anh Huỳnh Thành Lập, sống gần hiện trường vụ tai nạn nói: "Ở đây khi trời mưa, nhất là trời mưa lớn trong công trình đang làm hay tạo nên những bãi tụ nước rất dễ nhiễm và truyền điện cả khu vực nếu dây bị rò rỉ.

Chúng ta cần có những biện pháp cứng rắn để đề phòng chuyện rò rỉ điện trong các công trình xây dựng. Hoặc có khuyến cáo cho người dân để phòng tránh những trường hợp về sau đặc biệt là mùa mưa sắp tới".

Theo Đơn vị Ban quản lý dự án Vành đai 2 khu vực quận Thủ Đức cho biết, đoạn công trình xảy ra tai nạn do Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư, Nhà thầu thi công là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái.

Vị trí xảy ra tai nạn nằm trong khu vực do một nhà thầu phụ chịu trách nhiệm thi công. Để làm rõ trách nhiệm về vụ việc này, Công an quận Thủ Đức đã tạm đình chỉ thi công công trình và làm việc với các đơn vị có liên quan để điều tra làm rõ nhiều vấn đề xung quanh vụ tai nạn nêu trên.

Trao đổi với phóng viên VOV, Lãnh đạo Công ty Điện lực Thủ Đức, TPHCM cho biết, đơn vị này trang bị riêng một trạm biến áp cho công trình đường Vành đai 2. Và vị trí xảy ra sự cố hoàn toàn thuộc phần công trình.

"Sau khi Công ty xây dựng Bắc ái đã trúng thầu thi công công trình này, thì họ đã kéo điện sau điện kế để cấp điện cho các thiết bị máy móc thi công trên công trường nhưng không đảm bảo an toàn gây ra rò điện.

Thứ hai đơn vị này không hề rào chắn, do đó trách nhiệm chính là đơn vị thi công. Đây là công trình lớn phải có rào chắn chứ, không chỉ đảm bảo cho người ngoài mà còn cho chính công nhân đang thi công trên công trình nữa chứ", Lãnh đạo Công ty Điện lực Thủ Đức nói.

Đối với những sai phạm vừa xảy ra tại công trình dự án vành đai 2 khu vực Thủ Đức, nhiều luật sư tại TPHCM cho rằng cần sớm khởi tố vụ án để điều tra là rõ vi phạm nếu có. Đây là vụ việc nghiêm trọng và bước đầu lỗi thuộc về 2 bên là bên bán điện lẫn bên sử dụng điện.

Hai bé bị điện giật tử vong tại TPHCM: Bất cẩn hay thiếu trách nhiệm? - Ảnh 3.

Luật sư Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TPHCM với hậu quả làm 2 cháu bé tử vong hành vi này có thể đối mặt với khung hình phạt từ 3 đến 7 năm tù.


Theo luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TPHCM “nếu Điện lực Thủ Đức chứng minh được các cam kết an toàn thì trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu”.

Cụ thể hơn, luật sư Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TPHCM phân tích: “Theo quy định luật giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thì các đơn vị thực hiện hoạt động thi công trên tuyến đường bộ phải đảm bảo được về an toàn lao động cho chính công nhân của mình và những người tham gia giao thông khác.

Ngoài ra, Luật Xây dựng năm 2014 quy định các công trình về xây dựng bắt buộc phải đảm bảo tính an toàn về lao động.

Nếu quá trình điều tra, xác định việc đơn vị thi công đã có những sai phạm thì có thể khởi tố vụ án theo quy định tại điều 295 - Bộ Luật hình sự 2015 với tội “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; an toàn ở những nơi đông người”.

Luật sư Phát cho biết thêm: "Theo đó với hậu quả làm 2 cháu bé tử vong thì như vậy hành vi này có thể bị khởi tố theo khoản 2 điều 295. Với tình tiết làm chết 2 người thì như vậy hành vi này có thể đối mặt với khung hình phạt từ 3 đến 7 năm tù".

Vụ việc 2 em nhỏ bị điện giật tử vong trong công trường lần này tiếp tục là bài học đối với công tác quản lý và sử dụng điện tại tại các công trình xây dựng.

Dù bất cẩn hay thiếu trách nhiệm thì vụ việc này cũng đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó cần xử lý nghiêm, mạnh tay đối với các sai phạm để góp phần tránh những vụ việc đau lòng khác xảy ra trong thời gian tới ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại