Hai bảo vật của vua Hàm Nghi ra mắt công chúng

Nhật Linh |

Hai bảo vật là bức tranh do vua Hàm Nghi tự vẽ và ống điếu bằng gỗ mà nhà vua thường dùng khi còn sống đã lần đầu tiên trình làng trước công chúng tại Huế.

Hai bảo vật của vua Hàm Nghi ra mắt công chúng - Ảnh 1.

Không gian triển lãm "Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật" tại Huế

Chiều 10-1, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức khai mạc không gian trưng bày "Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật" tại nhà Tế Tửu - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (số 3 Lê Trực, TP Huế).

Lần đầu tiên giới thiệu bức tranh của vua Hàm Nghi vẽ tại Việt Nam

Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng do vua Hàm Nghi sáng tác khi bị lưu đày ở Algers. Công chúng cũng được giới thiệu các hình ảnh về cuộc đời của nhà vua từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp với phong trào Cần Vương và giai đoạn bị lưu đày tại Algers.

Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu đến công chúng bức tranh do vua Hàm Nghi vẽ với tựa đề "Hồ trên dãy núi Alpes". Bức tranh được xác định do vua Hàm Nghi vẽ tại Pháp vào khoảng năm 1900 - 1903.

Bức tranh sơn dầu trên vải này có chiều dài là 40,5cm, cao 27,5cm. Bức tranh do một nhà sưu tập không nêu tên tặng lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trưng bày.

Đây là lần đầu tiên một bức tranh do chính vua Hàm Nghi vẽ được trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng tại Việt Nam.

Chiếc ống điếu hút thuốc của vua Hàm Nghi thường dùng

Hai bảo vật của vua Hàm Nghi ra mắt công chúng - Ảnh 2.

Cô Amandine Dabat trao tặng chiếc ống điếu hút thuốc của vua Hàm Nghi cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

Cũng tại buổi triển lãm, một chiếc ống điếu hút thuốc bằng gỗ được khảm ốc xà cừ cũng được trưng bày.

Chiếc ống điếu này do cô Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi - tặng lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Chiếc ống điếu cao 20,1cm, sâu 8,8cm và là vật dụng được vua Hàm Nghi đem theo từ Việt Nam sang Algers. Thường ngày, vua Hàm Nghi dùng chiếc ống điếu này để hút thuốc. Trên chiếc ống điếu còn được khảm một bài thơ bằng chữ Hán tinh xảo.

Cô Amandine Dabat cho biết chiếc ống điếu này được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác như một kỷ vật quý giá của nhà vua. Trong lần về Việt Nam này, cô đã quyết định tặng chiếc ống điếu này lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để trưng bày đến công chúng.

"Tôi nghĩ vua Hàm Nghi cũng sẽ rất vui khi chiếc ống điếu mà ông thường dùng được trở về cố hương", cô Amandine Dabat nói.

Hai bảo vật của vua Hàm Nghi ra mắt công chúng - Ảnh 3.

Chiếc ống điếu được làm bằng gỗ và khảm ốc xà cừ tinh xảo

Ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trung tâm và các sở, ngành tại Việt Nam đã có mối quan hệ rất tốt đẹp với gia đình hậu duệ của vua Hàm Nghi. Qua cuộc trưng bày lần này, trung tâm mong muốn công chúng tại Việt Nam hiểu rõ hơn về cuộc đời và nghệ thuật của vị vua yêu nước Hàm Nghi.

Ngoài ra trung tâm cũng mong muốn hợp tác hơn nữa với các tổ chức, cá nhân trong việc nỗ lực hồi hương các cổ vật, di vật, tác phẩm nghệ thuật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc nước ngoài.

Một số hình ảnh về hai báu vật của vua Hàm Nghi vừa trình làng công chúng tại Huế:

Hai bảo vật của vua Hàm Nghi ra mắt công chúng - Ảnh 4.

Bức tranh "Hồ trên dãy núi Alpes" do vua Hàm Nghi vẽ khi bị lưu đày

Hai bảo vật của vua Hàm Nghi ra mắt công chúng - Ảnh 5.

Bản sao bức tranh "Vách đá Port-Blanc" do vua Hàm Nghi vẽ vào năm 1912

Hai bảo vật của vua Hàm Nghi ra mắt công chúng - Ảnh 6.

Bản sao bức tranh "Những ngọn đồi ở Deliibrahim" được vua Hàm Nghi vẽ vào năm 1908 tại Algerie

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại