HAGL và những cuộc "thay máu" được ăn cả, ngã về không!

Chính Minh |

18 năm qua, HAGL của bầu Đức đã lộ rõ 2 chiều tính cách đối lập Hoặc tỏa sáng rực rỡ hoặc mờ nhạt một cách khó chịu

Cách đây 18 năm, bầu Đức đã xuất hiện và giúp bóng đá Việt Nam có một cú hích lịch sử từ những bước đầu chập chững tiến lên chuyên nghiệp.

Việc một ông bầu sẵn sàng "dốc hầu bao" đưa về những bản hợp đồng "bom tấn" như bộ ba tuyển thủ Thái Lan Kiatisak-Tawan-Dusit đã thu hút mọi sự quan tâm từ dư luận.

HAGL và những cuộc thay máu được ăn cả, ngã về không! - Ảnh 1.

Bầu Đức đưa Kiatisak đến HAGL với bản hợp đồng "bom tấn" thời điểm năm 2002.

Sự kết hợp giữa những nhân tố nổi bật của bóng đá Thái Lan ngày ấy với những cái tên "có số" ở Việt Nam như Mạnh Dũng, Minh Đức, Quang Trường, Phi Hùng… đã tạo nên một HAGL bất khả chiến bại ở giải hạng Nhất 2002 (HLV Huỳnh Văn Ảnh dẫn dắt), "làm mưa làm gió", vô địch V.League 2003, 2004 dưới thời HLV Thái Lan Arjhan Somgamsak.

Thành công từ bóng đá đã mang lại cho bầu Đức rất nhiều trong chiến lược kinh doanh của mình cách đây 15-16 năm như chính ông thừa nhận.

Bước đi của bầu Đức sau này đã được nhiều đội bóng như Gạch Đồng Tâm Long An, B.Bình Dương học tập tạo nên "thế chân vạc" V.League một thời.

Khi càng nhiều "đại gia" bỏ tiền làm bóng đá như một cách quảng bá thương hiệu tốt nhất thì bầu Đức đã có bước "chuyển đổi trạng thái" vào năm 2007 khi thành lập Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, sau khi liên tiếp cập bến ở vị trí thứ 4 V.League 2005, V.League 2006 (mùa giải Kiatisak là cầu thủ kiêm HLV).

Bầu Đức muốn "đón đầu xu thế" khi chứng kiến thị trường chuyển nhượng Việt Nam ngày càng sôi động với những bản hợp đồng tiền tỷ. Ông không "chạy đua" bỏ tiền mua cầu thủ và chấp nhận "ẩn mình", đầu tư rất nhiều cho lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Đông Triều, Hồng Duy… với hy vọng sẽ tìm lại ánh hào quang bằng chính "gà nhà", những "hạt ngọc" do mình đào tạo ra.

Thực tế, bầu Đức cũng đã rất khéo léo khi "đi bằng cả 2 chân". Vừa đầu tư cho khóa 1 Học viện HAGL, vừa có một cú "áp phe" lớn duy trì độ hot cho HAGL với sự xuất hiện của ngôi sao Lee Nguyễn, mua về những tên tuổi có "mác tuyển" của Đồng Tháp năm 2009 là Đoàn Việt Cường, Phan Thanh Bình, Nguyễn Quý Sửu…

HAGL và những cuộc thay máu được ăn cả, ngã về không! - Ảnh 2.

HLV Kiatisak từng thất bại trong 2 lần dẫn dắt HAGL thời điểm 2006, 2010.

Và dấu ấn lớn nhất của HAGL tính tới trước mùa giải 2010 khi HLV Kiatisak trở lại phố Núi cầm quân chỉ là tấm HCĐ V.League 2007 dưới thời HLV người Thái Lan Chatchai.

V.League 2008 và V.League 2009, HAGL dưới sự dẫn dắt lần lượt của 3 HLV người Thái Lan là Anant Amornkiat, Dusit, Chatchai (trở lại) đều cập bến ở vị trí thứ 6.

Năm 2010, HLV Kiatisak được đặt nhiều kỳ vọng với lực lượng khá mạnh nhưng vẫn chỉ cập bến ở vị trí thứ 7 V.League 2010 – thành tích kém cỏi nhất của HAGL ở thời điểm đó.

Vớt vát một chút cho thầy trò HLV Kiatisak chỉ là danh hiệu á quân Cúp QG 2010 sau khi để thua sát nút SLNA 0-1 ở trận chung kết.

Thất bại lần 2, Kiatisak trở về Thái Lan và những năm sau đó HAGL tiếp tục loay hoay cầm cự, rất thiếu cá tính dưới thời các HLV Dusit (trở lại 2011), Choi Yoon-kyum (2012-2014, giúp HAGL giành HCĐ V.League 2013 nhưng lại về đích thứ 9 V.League 2014 và phải ra đi).

V.League 2015 đánh đấu cuộc "thay máu" thứ 2 khá toàn diện của bầu Đức (lần thứ 1 là năm 2009 như đã kể trên) khi thanh lý tới 20 cầu thủ để nhường chỗ cho lứa 1 Học viện HAGL vốn đã gây tiếng vang ở cấp độ U19 những năm 2013, 2014 lên đá V.League.

HAGL và những cuộc thay máu được ăn cả, ngã về không! - Ảnh 3.

Bầu Đức gửi gắm rất nhiều niềm tin vào Công Phượng ở V.League 2021.

Bầu Đức chỉ giữ lại 8 cầu thủ dày dạn kinh nghiệm, trong đó có những cái tên như Trần Vũ, Hoàng Thiên… thi đấu V.League 2015 và phải vật lộn với cuộc đua trụ hạng.

Kết thúc V.League 2015, HAGL của Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy… do HLV Guillaume-Nguyễn Quốc Tuấn dẫn dắt cập bến ở vị trí áp chót, chỉ hơn đội cuối bảng nhận vé rớt hạng Đồng Nam 3 điểm.

Những mùa giải tiếp theo từ 2016 đến 2019, HAGL luôn có mặt trong cuộc đua… trụ hạng.

Các HLV Nguyễn Quốc Tuấn (cuối V.League 2015-2017), Dương Minh Ninh (cuối 2017-đầu 2019), Lea Tae-hoon (giữa V.League 2019 đến cuối giai đoạn 1 V.League 2020), Nguyễn Văn Đàn (từ cuối V.League 2020 đến hết giải) đều không đáp ứng được kỳ vọng!

Kết thúc V.League 2020, bầu Đức cũng đã lấy về Công Phượng (có thời gian "du học" ở Nhật Bản, Bỉ, khoác áo TP.HCM với nhiều cá tính ở V.League 2020) để hợp cùng Xuân Trường ("du học" Hàn Quốc, Thái Lan), Tuấn Anh ("du học" Nhật Bản), Văn Toàn… trên hàng công.

Liệu tại V.League 2021, HAGL sẽ "đá thật" chứ không phải "đá cho vui" dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisak?

Câu trả lời còn ở tương lai nhưng năm 2021 là thời điểm bầu Đức chờ đợi Kiatisak với tấm gương của một danh thủ đẳng cấp vốn được các cầu thủ HAGL hiện nay rất hâm mộ sẽ thực sự là "chất kết dính" tạo nên sức mạnh tập thể cho đội bóng.

Đây không phải là một cuộc "thay máu" như trong quá khứ mà là một cuộc "hội tụ".

Kiatisak thành công, bầu Đức sẽ vực lại được nhiều thứ!

Ở cấp độ đội tuyển, bầu Đức cũng đã có những "canh bạc tất tay". SEA Games 2017, ông đã rơi xuống đáy thất vọng khi những "hạt ngọc" thất bại dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Nhưng 1 năm sau, HLV Park Hang-seo đã giúp bầu Đức tìm thấy ánh sáng niềm tin với những thành công liên tiếp trên đấu trường khu vực và châu lục, trong đó có đóng góp rất lớn của lứa cầu thủ Học viện HAGL.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại