Hà Tĩnh: Bị chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT trả lời “vô cảm”?

Hà Vy – Khánh Linh |

Chiều 14/12, kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII bước vào phần tranh luận. Trong nội dung chất vấn của mình, một đại biểu cho rằng Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh “vô cảm”.

“Nếu thấy thiệt thòi DN cứ kiện chủ đầu tư”

Mở đầu phần chất vấn, Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu (Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh) nêu ra một số vấn đề về nội dung nợ trong xây dựng cơ bản.

Theo đó, hiện nay nợ của cấp tỉnh là 1.700 tỉ, còn nợ của cấp huyện và cấp xã thì không thấy số liệu trong báo cáo.

Vị đại biểu này đặt câu hỏi: “Hiện tại, Giám đốc Sở KH- ĐT có nắm được tổng số nợ trên toàn tỉnh đến nay là bao nhiêu không? Việc nợ đó có tác động đến việc ngắc ngoải chờ chết của một số doanh nghiệp hay không? Chúng ta làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?”.

Cũng theo ông Nhiệu, khi doanh nghiệp đã hoàn thành các công trình mà không thanh toán được tiền thì có vi phạm pháp luật hay không? Có vi phạm về hợp đồng kinh tế không? Trước nguy cơ vỡ nợ và những tổn thất của doanh nghiệp, giám đốc có suy nghĩ gì?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu, ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng: “Tổng nợ cấp tỉnh khoảng 1.700 tỉ, riêng cấp huyện, cấp xã khoảng đâu hơn 1.000 tỉ, trong đó cấp xã khoảng hơn 600 tỉ, còn lại là của cấp huyện”.

Về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, chúng tôi rất chia sẻ và hướng dẫn làm các thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, hoặc chuyển đổi nghề nuôi trồng thủy sản.

Còn việc nợ các doanh nghiệp xây dựng có vi phạm pháp luật không, thì đã quy định trong hợp đồng kinh tế và các cam kết. Bởi vì hợp đồng kinh tế là căn cứ pháp lệnh để thực hiện.

Nếu thấy thiệt thòi, các doanh nghiệp có thể kiện chủ đầu tư.

“Thấy rất là vô cảm”

Sau khi Giám đốc Sở KH-ĐT trả lời thì đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu cho rằng có những nội dung chưa thỏa đáng: “Chắc rằng cử tri và doanh nghiệp mà nghe giám đốc trả lời như thế này thì cảm thấy rất là vô cảm.

Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dở chết dở sống, thậm chí là mất nhà, mất tất cả vì không lấy được nợ, trong lúc đó mình lại đang nợ ngân hàng”.

“Cách trả lời của Giám đốc Sở như nói rằng doanh nghiệp hợp đồng với các chủ đầu tư như thế nào thì phải chịu như vậy.

Nghĩa là làm ăn không cẩn thận thì phải chịu. Một cơ quan quản lý doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp mà trả lời như thế thì rất là vô cảm”, ông Nhiêu nhắc lại.

Sau khi nghe ông Tú Anh trả lời phần tranh luận lại của mình, đại biểu Nhiệu vẫn chưa thỏa mãn nên đã có ý kiến đề xuất thẳng đến UBND tỉnh về vấn đề này.

Theo đại biểu Nhiệu thì hậu quả của việc này là rất lớn, nó khiến cho nhiều doanh nghiệp lâm cảnh khốn cùng.

“Tôi thấy ông Tú Anh có sự nhầm lẫn, bởi trước đây UBND tỉnh có chủ trương vận động các doanh nghiệp tự bỏ vốn để làm sau đó tỉnh trả. Do vậy, thời gian tới hãy tập trung trả nợ cho doanh nghiệp”, đại biểu Nhiệu nói.

Sau lời đề nghị của đại biểu Lê Trọng Nhiệu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Lê Đình Sơn có ý kiến chỉ đạo: Đây là một trong những nội dung được UBND tập trung xử lí.

Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri và ý kiến của đại biểu Nhiệu, tôi thấy đồng chí Tú Anh nói chưa rõ. Bây giờ cần làm rõ việc doanh nghiệp cam kết bỏ vốn ra làm hay UBND tỉnh có chủ trương.

Nhưng dù hình thức nào đi nữa thì với chức năng quản lí nhà nước mình cần có biện pháp quản lí để tránh tình trạng nợ xấu kéo dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại