Hà Nội xử lý khẩn đê sông Bùi sau trận lũ lịch sử

Nhật Tân |

Sau những ngày dài sống chung với lũ, hàng nghìn hộ dân vùng ngập lụt Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) vẫn thấp thỏm lo âu khi nhiều đoạn đê tả Bùi đang bị xói lở từng mảng. Ngay ở thời điểm này, chính quyền địa phương vẫn phải tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê, nhằm chủ động đối phó với thiên tai. Hà Nội đã chính thức công bố kế hoạch nâng cấp đê sông Bùi.

Bằng mọi giá phải bảo vệ được đê tả Bùi

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, trận ngập lụt xảy ra tại một số huyện ngoại thành hồi cuối tháng 7/2018 vừa qua đã gây ảnh hưởng đến hơn 22.400 người dân.

Chỉ tính riêng huyện Chương Mỹ, ước tính tổng thiệt hại lên đến hơn 264 tỷ đồng. Nhiều nguyên nhân ngập lụt kéo dài được cơ quan chức năng đưa ra nhưng chủ yếu tập trung ở việc khả năng thoát nước của các sông kém.

Bên hữu sông Bùi là vùng chứa nước, vùng phân lũ. Khu vực này khi dân cư sinh sống, phát triển, người dân ngăn bằng đê bao, đê bối nhưng những đê này không được cao hơn đê tả Bùi.

Nếu đê tả sông Bùi bị tràn, bị vỡ rất có thể những xã còn lại của Chương Mỹ sẽ chìm trong nước lũ và nước tràn vào đường 6 khiến các tuyến đường giao thông bị tê liệt, chia cắt phía Tây với khu vực khác của Thủ đô.

Các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây… cũng bị ảnh hưởng.

Theo ông Ðinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, với tính chất quan trọng như vậy nên trong đợt ngập lụt vừa qua, bằng mọi giá, huyện phải bảo vệ được đê tả Bùi.

Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao tinh thần chủ động, tự giác của người dân. Chỉ cần nghe tiếng kẻng, tiếng chuông thông báo nước lên, hàng trăm người không quản đêm tối tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng tôn đê.

Ông Hùng cho biết thêm, về chiến lược lâu dài phải di dân toàn bộ vùng hữu Bùi để đảm bảo cho người dân vùng này có cuộc sống ổn định. Những khu vực này sẽ trở thành vùng sản xuất.

Còn biện pháp ngắn hạn trong thời gian tới, huyện kiến nghị Trung ương và thành phố cải tạo, nâng cấp cả đê tả Bùi và hữu Bùi theo thiết kế cho phép, để khi mực nước lên cao, nếu phải cho tràn thì nhân dân cũng an tâm hơn.

Cùng đó, hệ thống các công trình phúc lợi, công trình giao thông, cung cấp nước sạch phải đảm bảo. Việc tổ chức sản xuất cũng phải quy hoạch lại để bà con có thể sống chung với lũ, bớt phần khó khăn, bấp bênh…

Chuyên gia hiến kế chống ngập

Hà Nội xử lý khẩn đê sông Bùi sau trận lũ lịch sử - Ảnh 1.

Gia cố những đoạn xung yếu đê tả Bùi trong trận lụt tháng 7 vừa qua.

Liên quan đến vấn đề trên, UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn số 4766/UBND-KT cho ý kiến về việc đầu tư nâng cấp đê tả Bùi, huyện Chương Mỹ.

Theo đó, UBND thành phố đồng ý giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư thực hiện dự án xử lý cấp bách đoạn đê tả Bùi xung yếu nhất (từ Trạm bơm Trung Hoàng, cầu Bến Cốc đến hết tràn Thanh Bình - dự kiến chiều dài khoảng 1.500m).

Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định của thành phố về đầu tư xây dựng, công trình phải đảm bảo chất lượng đê Bùi tuyệt đối an toàn khi tham gia chống lũ, thời gian hoàn thành trước 30/4/2019. Đồng thời giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính thống nhất tham mưu đề xuất UBND thành phố nguồn vốn thực hiện dự án trên.

Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Chương Mỹ vẫn còn nhiều tuyến đê đang bị sạt lở, lún ở mức nghiêm trọng.

Cụ thể, tại xã Hoàng Văn Thụ tuyến đê Bùi 2 hiện đang có 1.600m bị sạt lở nghiêm trọng mái hạ lưu, với những mảng đất bị xói lở lớn do ảnh hưởng của đợt lũ lớn trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua.

Tuyến đê này bị sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến việc ngăn lũ cho các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến khi có mưa lớn và lũ rừng ngang ở tỉnh Hòa Bình đổ về.

Ngoài ra, qua rà soát trên địa bàn huyện còn có 15,580km thuộc đê hữu Bùi đoạn qua thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương; Đê Đồng Trối xã Thủy Xuân Tiên; Đê bao Thuần Lương; Đê bao thôn Hòa Bình xã Hoàng Văn Thụ... cũng đang sạt lở, lún nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Bàn thêm về việc khắc phục tình trạng các tuyến đê sạt lở, đe dọa nguy cơ ngập lụt, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, để thoát lũ tốt cần dùng hệ thống thủy lợi đê điều bơm nước ra các dòng sông và mở rộng các vùng bán ngập để giảm áp lực của nước.

Việc dùng máy bơm chỉ là việc làm tình thế khi tất cả các dòng sông đều ngập, bơm nước vòng quanh thì vô ích.

Còn mở rộng vùng bán ngập thì có thể hạn chế được và tận dụng được để kinh doanh, sản xuất (nuôi trồng thủy sản kết hợp với cây trồng).

Do vậy, việc mở rộng vùng bán ngập là hữu hiệu nhất, khi lũ về những vùng bán ngập sẽ có được thổ nhưỡng tốt, màu mỡ thì phát huy được trồng trọt.

KTS Trần Huy Ánh chia sẻ thêm: “Có thể tái thiết không gian sống thích ứng với 2 mùa lũ/cạn; coi nước là tài nguyên thay vì thảm hỏa. Lấy trữ nước chủ động thay vì thoát nước bị động.

Tổ chức sinh kế nông nghiệp/ngư nghiệp thay vì san nền đổ đất đô thị hóa tràn lan. Từng bước tổ chức giao thông thủy trong mùa lũ kết hợp giao thông bộ mùa cạn một cách chủ động, an toàn.

Làm nhà cộng đồng, trường học, kho tàng, trạm điện cao, nổi trên mặt nước, kết hợp hành lang đi bộ an toàn trên cao kết nối các khu dân cư.

Giải pháp này huy động toàn dân tham gia, thay vì làm dự án chỉ có ngân sách chi ra trăm tỷ, ngàn tỷ mà hiệu quả chưa có gì đảm bảo.

Hà Nội đang hướng tới thành phố thông minh vậy cần có nhiều giải pháp tổ chức không gian sống một cách thông minh, thích ứng, an toàn...”.

Đê tả Bùi (trên 14 km), hữu Bùi (hơn 18 km) thuộc loại đê cấp 4. Hà Nội có hơn 626 km đê được phân làm 5 cấp.

Việc phân cấp đê sông dựa vào các tiêu chí: Dân số, diện tích bảo vệ, độ ngập sâu trung bình các khu dân cư so với mực nước thiết kế; lưu lượng lũ thiết kế. Theo các tiêu chí trên, hơn 37km đê hữu Hồng, đoạn đi qua địa phận Hà Nội cũ, được phân loại cấp đặc biệt.

Trong 10 năm trở lại đây, đã 3 lần nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ.

Lần đầu là năm 2008, khi Hà Nội bị ngập lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017 và đợt ngập kéo dài hồi cuối tháng 7 vừa qua là lần thứ ba.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại