Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Cùng với sự phát triển "nóng" của các hãng hàng không hiện nay là bài toán nan giải về hạ tầng.
Cảng hàng không (CHK) Tân Sơn Nhất hiện đã chạm mức quá tải còn CHK Nội Bài cũng được dự báo với sức tăng trưởng "nóng" như hiện nay thì trong vòng 3 năm nữa, sẽ rơi vào tình trạng quá tải như Tân Sơn Nhất bây giờ.
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh về những kế hoạch mở rộng và nâng công suất của 2 CHK quốc tế lớn nhất nước hiện nay.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, thị phần quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam năm 2015 là 48,1%, nhưng trong 4 tháng đầu năm 2016, thị phần này giảm xuống 43%. Vì sao có sự sụt giảm này, thưa ông?
Cục trưởng Lại Xuân Thanh: Con số 43% không phải do các hãng hàng không Việt Nam không tăng trưởng mà do các hãng hàng không quốc tế đang tăng cường các chuyến bay vào Việt Nam.
Điều này chứng tỏ thị trường Việt Nam đang được chú trọng.
Nói hơi ngược, nhưng thực tế, chúng tôi muốn kéo thị phần quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam xuống khoảng 40% để tăng tỉ lệ các hãng quốc tế đến đất nước chúng ta bởi bây giờ các hãng hàng không quốc tế vẫn đang lấy thị trường Singapore, Thái Lan, Hong Kong làm trọng điểm.
Đây là chiến lược “cạnh tranh điểm đến quốc tế” mà ngành hàng không Việt Nam đang hướng tới.
Về thị trường nội địa, hiện VietnamAirlines và VietjetAir đang cạnh tranh nhau ở mức 40-42%. Các hãng cạnh tranh nhau mạnh như hiện nay thì người dân sẽ được hưởng lợi.
"Cạnh tranh điểm đến quốc tế" nhưng hạ tầng của chúng ta đã cho phép chưa thưa ông, đặc biệt trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất quá tải?
Cục trưởng Lại Xuân Thanh: Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang là điểm nghẽn căng thẳng của hàng không.
Tổng thị trường hàng không Việt Nam hiện là hơn 25 triệu hành khách mỗi tháng thông qua các CHK, riêng lượng hành khách qua CHK Tân Sơn Nhất 4 tháng đầu năm 2016 là 10 triệu hành khách/tháng, chiếm tỉ lệ 40%, trong khi đó những năm trước đây tỉ lệ này đều hơn 50%.
Con số này chứng tỏ việc khai thác hàng không giữa các CHK không qua CHK Tân Sơn Nhất tăng mạnh, các CHK địa phương hoạt động nhiều hơn.
Về phương án xử lý, Chính phủ đã thông qua việc di dời hoạt động bay quân sự ra khỏi CHK Tân Sơn Nhất và có chính sách tiếp tục giành quỹ đất của quân sự cho hàng không dân dụng để gỡ “nút thắt” này.
TPHCM cũng có kế hoạch mở rộng đường giao thông tiếp cận Tân Sơn Nhất như: Cải tạo nút giao Trường Sơn; phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu mở đường song song với đường Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám.
Bên cạnh đó, việc giải quyết đường lăn độc đạo của Tân Sơn Nhất cũng là việc gấp cần xử lý bởi đây chính là nguyên nhân khiến năng lực của sân bay này thấp.
TPHCM đang thực hiện quy hoạch về nhà ga lưỡng dụng với công suất 10 triệu hành khách.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng có kế hoạch mở rộng nhà ga nội địa của Tân Sơn Nhất thêm khoảng 4-5 triệu hành khách nữa.
Như vậy, sau khi mở rộng, Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất khoảng 40 triệu hành khách tương ứng với năng lực thông quan trên bầu trời của sân bay này.
Còn CHK Nội Bài đã sắp chạm mức quá tải chưa, thưa ông?
Cục trưởng Lại Xuân Thanh: CHK Nội Bài có công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, với sức tăng trưởng “nóng” như hiện nay (năm 2015 là 22% nhưng 4 tháng đầu năm 2016 đã là 31%) thì trong vòng 3 năm nữa, Nội Bài sẽ rơi vào tình trạng quá tải như Tân Sơn Nhất bây giờ.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau năm 2030, Nội Bài sẽ đạt công suất 50 triệu hành khách.
Ông có thể nói rõ hơn về việc mở rộng, nâng công suất này?
Cục trưởng Lại Xuân Thanh: Như tôi đã nói ở trên, CHK Nội Bài chỉ thêm vài năm nữa sẽ “vỡ trận” nên kế hoạch mở rộng, nâng công suất của sân bay này là việc cấp bách.
Tuy nhiên, để nâng công suất của Nội Bài thêm 25 triệu hành khách/năm nữa thì đây sẽ là dự án Long Thành thứ hai và còn khó khăn hơn dự án xây dựng CHK Long Thành bởi quỹ đất theo quy hoạch phải mở rộng xuống phía nam mới bảo đảm được đường cất-hạ cánh độc lập nhưng hiện nay dân cư dày đặc, việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn.
Thực hiện đúng theo Quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc mở rộng sẽ được xây dựng đối diện với sân bay Nội Bài hiện nay (lật qua đại lộ Võ Nguyên Giáp) với diện tích 720 ha thuộc 3 xã: Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình của huyện Sóc Sơn.
Chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và xây dựng khu tái định cư cho người dân dự kiến khoảng 2 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2015).
Chi phí xây dựng các hạng mục chính của “Nội Bài 2” (đường lăn, sân đỗ, khu nhà ga, đèn chiếu sáng…) khoảng 78.000 tỷ đồng và sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành lấy ý kiến các địa phương về việc xây dựng này và đến nay các địa phương đều đồng ý.
Ngay sau khi xây dựng xong kế hoạch chi tiết, phối hợp cùng TP. Hà Nội, Cục Hàng không sẽ tiến hành báo cáo lên Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, CHK quốc tế Nội Bài sẽ được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, nâng cấp thành cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hoá/năm.
Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ trở thành cảng hàng không cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hoá/năm.