Hà Nội: Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông Trung Thủy Nông

Vương Trần |

Toàn bộ cống tiêu cuối kênh Tây và bờ bao chống tràn sông Trung Thủy Nông (H.Gia Lâm) đã bị gãy và sụt lở hoàn toàn, tuyến đường bờ bao bị chia cắt không thể đi lại được, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng.

UBND huyện Gia Lâm vừa có thông tin về sự cố sạt lở cống tiêu cuối kênh Tây và đường bờ bao chống tràn sông Trung Thủy Nông, xã Văn Đức.

Theo đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 vừa qua, trên địa bàn huyện Gia Lâm có mưa lớn đã tiếp tục gây sạt lở hai bên bờ sông Trung Thủy Nông.

Cụ thể, toàn bộ cống tiêu cuối kênh Tây và bờ bao chống tràn đã bị gãy và sụt lở hoàn toàn, tuyến đường bờ bao bị chia cắt không thể đi lại được, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng.

Khu vực sạt lở dài 30m, rộng 20m, chiều sâu sạt lở 8m; khối lượng đất sạt lở ước tính khoảng 1.800m3; gãy khoảng 12m ống cống bê tông cốt thép; trôi 1 bộ cửa van thép; sạt lở 30m đường bê tông bờ bao.

Đáng lo ngại, cung trượt tại vị trí cầu máng cuối kênh Tây vẫn phát triển, cầu máng tiếp tục bị lún gãy. Hệ thống kênh nội đồng đấu nối với kênh Tây bị gãy dài 20m.

Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, đoạn sông khu vực sạt lở có độ dốc lớn, dòng chảy siết. Mưa lớn làm bão hòa đất, kết hợp với dòng chảy nội đồng từ kênh tiêu kênh Tây đổ ra trục tiêu Trung Thủy Nông đã làm xói toàn bộ đất đáy cống và sạt lở đất bờ sông dẫn đến sụp đổ công trình.

Hiện nay lượng nước mưa từ trong nội đồng vẫn tiếp tục chảy ra nên hiện tượng xói lở vẫn tiếp diễn với xu hướng ăn sâu vào bờ và có nguy cơ làm sạt lở thêm tuyến kênh Tây và đất sản xuất rau an toàn.

Sau khi phát hiện sự cố, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo UBND xã Văn Đức huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ xử lý giờ đầu sự cố gồm: Phát quang toàn bộ khu vực bị sự cố; cắm biển cảnh báo nguy hiểm; cấm các loại phương tiện qua lại khu vực sạt lở.

Bố trí lực lượng trực, tuần tra theo dõi thường xuyên khu vực xảy ra sự cố. Đóng cọc tại vị trí chân khối trượt để giữ ổn định không cho việc sạt lở tiếp tục xảy ra.

Đóng hàng cọc tre dọc chân khối trượt; lót hàng phên tre phía trên hàng cọc; đắp giữ chân khối trượt bằng bao tải đất...

Đồng thời UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng về việc tiến hành khảo sát và có phương án xử lý cấp bách để ngăn chặn sạt lở đang diễn ra với tốc độ nhanh, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người dân tham gia sản xuất trong khu vực RAT và đến các công trình phục vụ tưới tiêu.

Việc xử lý, khắc phục kịp thời cũng sẽ hạn chế thiệt hại cho hệ thống công trình kênh Tây, duy trì sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại