Hà Nội rung lắc bởi ảnh hưởng động đất: Không đáng lo ngại!

T.CHÍ |

Đó là ý kiến của TS Trần Chủng- Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) về việc các toà nhà cao tầng tại Hà Nội bị rung, lắc do ảnh hưởng của động đất tại Vân Nam trong ngày 8.9.

Ngày 8.9, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho biết, vào khoảng 9h30 (giờ Hà Nội) ngày 8.9.2018, một trận động đất có cường độ 5.3 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 23.453 vĩ độ Bắc, 101.620 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.

Động đất xảy ra tại khu vực biên giới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 118km.

Do ảnh hưởng của trận động đất lớn này, nên một số khu vực của Hà Nội đã bị dư chấn và người dân ở các khu vực nhà cao tầng cảm nhận thấy sự rung, lắc. Tuy nhiên, việc này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.

Việc rung lắc tại các toà nhà cao tầng gây hoang mang cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Vậy hiện nay, các tiêu chuẩn xây dựng tại Hà Nội có quy định về viêc chống chịu với động đất, đặc biệt các công trình xây dựng cao tầng?

Trả lời việc này, trao đổi PV Lao Động chiều 9.9, TS Trần Chủng- Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)- cho rằng, việc Hà Nội vừa rồi xuất hiện rung lắc do ảnh hưởng động đất nhưng điều này không quá lo ngại.

Ông Chủng đưa ra lý giải, nước ta không nằm trong vùng vành đai lửa của Thái Bình Dương cho nên động đất thường là cấp độ trung bình.

Đối với khu vực Hà Nội hiện nay đã có bản đồ phân vùng về gia tốc nền tức là phân vùng về cấp động đất. Các công trình ở Hà Nội hiện nay đều được thiết kế, tính toán có kể đến tải trọng của động đất và tải trọng của gió bão.

Động đất ở Hà Nội chủ yếu là cấp 7 một vài vùng thì có cấp 8 nhưng với những công trình ở trong vùng đó cũng phải được xem xét rất đặc biệt.

Nói rõ hơn về các quy định liên quan tới các công trình xây dựng cao tầng và khả năng chống chịu với động đất, TS Trần Chủng cho biết, luật Xây dựng đã quy định là phải thẩm tra thiết kế sau đó phải thẩm định thiết kế.

Một trong những nội dung thẩm tra thiết kế là phải thẩm tra theo địa chất công trình đầu vào phải bắt buộc về tải trọng gió, tải trọng động đất.

“Chúng ta nằm trong vùng động đất nhỏ cùng với đó các kết cấu hiện nay đặc biệt là kết cấu nhà cao tầng bê tông cốt thép được kiểm soát tốt.

Hiện nay chúng ta cũng có quy chuẩn tiêu chuẩn về vấn đề động đất đối với công trình nên người dân có thể bình tĩnh, yên tâm” – TS Chủng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại