Theo truyền thống, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, người dân sẽ cúng tiễn Ông Công Ông Táo về trời. Người xưa quan niệm rằng, vào ngày này, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình, báo cáo với Ngọc Hoàng về việc làm tốt xấu của gia chủ.
Chính vì thế, nhiều gia đình mua cá chép sống về làm lễ cúng tiễn Ông Công Ông Táo với ý niệm các Ông lên đường "thuận buồm xuôi gió". Sau khi cúng xong, nhiều người sẽ chọn địa điểm để phóng sinh cá.
Sáng 25/1 (tức 23 tháng Chạp) nhiều người dân đã di chuyển lên cầu Long Biên để phóng sinh cá xuống sông
Dọc hai bên cầu đều được các bạn sinh viên treo tấm áp phích với nội dung "Thả cá đừng thả túi nylon"
Các bạn sinh viên cũng chia nhau đứng thành nhóm để nhắc nhở người dân không thả túi nylon và hỗ trợ người dân trong việc phóng sinh cá chép ngày Ông Công Ông Táo
Ghi nhận của chúng tôi sáng 25/1 trên cầu Long Biên, nhiều bạn sinh viên tình nguyện có mặt ở 2 bên cầu để kêu gọi, hỗ trợ người dân thả cá, thả tro và không vứt rác xuống sông.
Theo quan sát, năm nay người dân thả cá ít hơn mọi năm, đa số là những người đi làm, họ tranh thủ phóng sinh cá trên đường đến nơi làm việc. Bạn Trần Thanh Phúc (Sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội) cho biết: "Hôm nay nhóm chúng em gồm khoảng hơn 20 người (đều là sinh viên đang theo học ở các trường ĐH ở Hà Nội) có mặt từ sớm tại đây để hỗ trợ người dân phóng sinh cá. Chúng em chia thành các nhóm đứng ở 2 thành cầu, số còn lại sẽ đứng thu gom rác của người dân".
Những chiếc xô có buộc dây thừng được sử dụng để đưa những chú cá chép xuống sông Hồng mà không đem theo túi nylon
Dù đã được nhắc nhở nhưng nhiều người đi thả cá chép phóng sinh còn thả luôn cả lọ hoa, bát hương cũ xuống sông Hồng
Những chiếc bát hương nằm ngổn ngang khắp nơi
"Lúc đầu, nhiều người không tin tưởng họ không giao cá cho mình phóng sinh vì sợ chúng em sẽ bán cá hay có ý định khác. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều người đã tin tưởng chúng em hơn và để cho chúng em hỗ trợ", Phúc nói và cho biết đã hỗ trợ người dân thả cá được 9 năm tại cầu Long Biên.
Mặc dù được kêu gọi nhưng một số người vẫn cố tình vứt luôn túi nylon, đổ cả tro, tàn nhang, chân hương và thậm chí cả bàn thờ cũ xuống sông Hồng.
Thậm chí có cả nguyên chiếc bàn thờ bằng gỗ cũng được người dân đem bỏ xuống sông
Nhiều bạn sinh viên đã phải đi xuống ven chân cầu Long Biên để thu gom lại những đồ vật và túi nylon do một số người dân thả xuống
Một chiếc thuyền cũng túc trực sẵn phía dưới cầu Long Biên để bắt lại những chú cá mà người dân vừa phóng sinh
Ghi nhận của PV tại khu vực hồ Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), bắt đầu từ 9h sáng rất nhiều người đã mang cá chép ra thả theo truyền thống cúng Ông Công Ông Táo ngày 23 tháng Chạp của dân tộc.
Nhiều người dân đến hồ Hạ Đình để thả cá chép tiễn Ông Công Ông Táo về trời
Nhiều em nhỏ cũng hào hứng đi theo cha mẹ để được tận tay thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp
"Tôi đưa con theo để giáo dục truyền thống của dân tộc. Mọi năm, do bận công việc nên tôi đều thả cá trước ngày 23 tháng Chạp, nhưng năm nay sắp xếp được lịch nên thả cá được đúng ngày. Thời tiết năm nay cũng rất đẹp, thích hợp cho việc tiễn cá chép về trời. Tôi cầu mong những điều tốt đẹp đến với với gia đình và người thân", anh Hùng (trú phường Hạ Đình, Thanh Xuân) chia sẻ.
Theo ghi nhận, tại khu vực hồ thả cá không còn tình trạng vứt lại túi nylon sau khi người dân thả cá. “Tôi thấy năm nay đều có ý thức, không vứt rác sau khi thả cá. Cũng không thấy tình trạng những người vợt cá sau khi chúng tôi thả như mọi năm”, chị Hương (trú phường Hạ Đình, Thanh Xuân) cho hay.
Để hạn chế việc dùng túi nylon không ít người đã đựng cá chép vào trong những chiếc tô lớn hoặc chậu nhựa
Hoặc những chiếc túi sẽ được thu gom lại tránh tình trạng vứt rác bừa bãi