Hà Nội muốn tăng phí lên 1,5 lần phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân

Luân Dũng |

Sáng 1/6, họp phiên thứ 45 (đợt 2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Đề xuất tăng mức thu phí lên 1,5 lần trên địa bàn Hà Nội nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho TP sẽ tạo động lực cho Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn; giúp thành phố có điều kiện sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có và huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông, ngập úng.

“Về cơ bản, không có ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn; cũng như cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công, không ảnh hưởng đến phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ và các địa phương”, Bộ trưởng Dũng nói.

Tiếp thu kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung nghị quyết.

Đó là, nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ; cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của TP để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng. Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội…

Thẩm tra, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung bổ sung mới Chính phủ trình.

Song về việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu ngân sách Trung ương hưởng 100%), đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND TP quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc để lại toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho ngân sách TP.

“Có thể mức để lại cho thành phố Hà Nội bằng khoảng 70% so với mức Chính phủ đề xuất là hợp lý. Tuy có thấp hơn so với mức thí điểm đối với TP Hồ Chí Minh nhưng thể hiện đúng nghĩa Thủ đô vì cả nước trong bối cảnh khó khăn cân đối ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, ông Hải cho biết quan điểm ý kiến trong cơ quan thẩm tra.

Liên quan đến việc thu phí, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, không nên đưa ra quy định mức trần tăng thu 1,5 lần. Theo ông, thực tế TPHCM khi thí điểm đã tăng một số loại phí lên 6 lần.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thì đề nghị không nên thu phí một cách cào bằng, mà cần có sự phân loại, cũng không nên quy định mức tăng phí trần 1,5 lần, mà để HĐND thành phố chủ động.

Với hàng trăm loại phí các loại, bà Hải cho rằng, cần tăng mạnh loại phí hướng tới người thu nhập cao. Ngược lại, loại phí nào hướng tới đa số người dân, thu nhập thấp thì tăng ở mức vừa phải, thậm chí giảm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, không nên đưa ra mức trần tăng phí "cứng" 1,5 lần so với hiện tại, thay vào đó HĐND được quyết định nhưng phải trên cơ sở đồng thuận của nhân dân.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung nội dung này vào chương trình đợt 2 kỳ họp thứ 9 dự kiến vào 8- 18/6 để Quốc hội thảo luận, thông qua ở một kỳ họp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại