Mưa xuất hiện tại quận Hoàng Mai (Hà Nội)
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VTC News lúc 21h30, các quận/huyện như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây... xuất hiện mưa dông, kèm các hiện tượng sét, gió giật mạnh.
Cơn mưa giông kéo dài khoảng 30 phút giúp Hà Nội giải nhiệt sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt với nền nhiệt phổ biến 35-37 độ.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tối 5/9, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho khu vực huyện Sóc Sơn. Hình thái thời tiết này di chuyển và mở rộng sang khu vực nội thành thành phố Hà Nội.
Cơ quan khí tượng cảnh báo trong vài giờ tới vùng mây này gây mưa cho các khu vực trên, sau đó lan sang các quận/huyện khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Anh Nguyễn Văn Lâm (trú quận Nam Từ Liêm) cho biết khoảng 21h15 khu vực phường Mễ Trì có mưa dông kèo theo gió mạnh.
" Mưa kèm theo gió mạnh như lốc thổi từng cơn khiến nhiều người di chuyển khó khăn. Tuy thời gian mưa khá ngắn nhưng làm dịu bớt nền nhiệt nắng nóng của Hà Nội những ngày qua ", anh Lâm nói.
Để ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành công điện chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.
Lãnh đạo Hà Nội lưu ý việc tập trung đến các phương án phòng, chống úng ngập nội, ngoại thành; phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; phương án chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của Nhân dân.
Bên cạnh đó là phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai; phương án hỗ trợ đảm bảo đời sống Nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra.
Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra.
Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm. Đặc biệt là các huyện thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, tuy không phải địa phương chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ bão Yagi nhưng Hà Nội cũng sẽ đối mặt với sự biến đổi thời tiết rất lớn. Theo đó, ngày 7 - 9/9, Hà Nội mưa to đến rất to và dông.
Lượng mưa tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì dao động 200 - 400mm, có nơi trên 500mm.
Lượng mưa tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh khoảng 150 - 300mm, có nơi trên 400mm.