Thời điểm 6h30 sáng 22/11, các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí đều ghi nhận mức độ ô nhiễm tại Hà Nội ở ngưỡng đỏ (có hại) và ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe con người), cá biệt một vài nơi lên ngưỡng nguy hại (ngưỡng nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí).
Vào thời điểm đó, các hệ thống theo dõi chất lượng không khí ghi nhận hiển thị tình trạng ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội.
Sương mù kèm bụi mịn khiến bầu trời Hà Nội mù mịt, tầm nhìn bị hạn chế.
Một số điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím như tại Trung tâm Sao Mai (Thanh Xuân), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Cầu Giấy), thị trấn Đông Anh (Đông Anh), Trâu Quỳ (Gia Lâm)...
Tình trạng này duy trì suốt buổi sáng, đến 11 giờ chất lượng không khí được cải thiện nhưng vẫn phổ biến ở ngưỡng đỏ và ngưỡng cam (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe các đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).
Không chỉ ở Thủ đô, nhiều tỉnh ở miền Bắc cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng với hầu hết các điểm đo ở ngưỡng đỏ và tím.
Đợt ô nhiễm này bắt đầu từ 22/11, dự báo có thể còn kéo dài cho đến hết tuần này.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc được xác định bởi các nguồn từ giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ.
Các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hay Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc