Hà Nội lại sắp có thêm đoạn đường có chi phí đắt nhất hành tinh

Ngọc Yến |

Dự án Vành đai 1 Hà Nội đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục đang gây “bão” dư luận vì chỉ một đoạn đường hơn 2km nhưng tổng chi phí lên tới gần 7.800 tỷ đồng, phá vỡ kỷ lục con đường đắt nhất hành tinh. Chi phí cho giải phóng mặt bằng của Dự án này lên tới 6.009 tỷ đồng. Và như vậy, Hà Nội có tới 5 con đường đắt đỏ bậc nhất thế giới.

Dự án đường Vành đai 1 có lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi), là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội.

Đoạn tuyến Hoàng Cầu- Voi Phục có chiều dài khoảng 2,2km. Tổng mức đầu tư được duyệt cho Dự án là 7.779 tỷ đồng. Trong đó 6.009 tỷ đồng là kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB), chi phí tư vấn, quản lý dự án và dự phòng khối lượng phát sinh cũng như trượt giá vào hơn 920 tỷ đồng.

Chi phí xây lắp toàn bộ đoạn tuyến Vành đai 1 từ Hoàng Cầu - Voi Phục cùng 2 cầu vượt qua các nút giao: Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ - Láng Hạ và các hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước đồng bộ chỉ có 785 tỷ đồng.

Với mức đầu tư “khủng” trên, Hà Nội đã chính thức có con đường thứ 5, phá vỡ kỷ lục đắt nhất hành tinh của 4 con đường trước đó: Đường Vành đai 1, đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái dài 570m, khánh thành tháng 12-2016 được định giá gần 2 tỷ đồng/m2; đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, khánh thành tháng 2-2015 với chiều dài 565m, trung bình mỗi mét đường có giá 1,7 tỷ đồng; đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, khánh thành cuối năm 2013 dài 547m cũng có giá 1,4 tỷ đồng/m2; đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa khánh thành cuối năm 2006, chỉ tốn 0,7 tỷ đồng/m2 nhưng vào thời điểm đó cũng đã được mệnh danh là con đường đắt nhất hành tinh.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng giải phóng mặt bằng (GPMB), Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Nguyễn Tấn Nam An thông tin, sở dĩ chi phí GPMB cao như vậy vì dự án đi qua khu vực lõi đô thị của Hà Nội.

Do đoạn tuyến đi qua địa bàn 2 quận lõi: Ba Đình, Đống Đa, nơi giá trị đất được tính cao vào loại nhất nhì của thành phố Hà Nội nên chi phí hỗ trợ, bồi thường, GPMB rất cao. Bên cạnh đó, nếu so với tuyến đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, chỉ có 24% diện tích GPMB là nhà dân thì đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục có tới 55% diện tích cần GPMB là nhà dân.

“Ngay trong Dự án Vành đai 1, đoạn tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu phần lớn là đất lấn chiếm, không có sổ đỏ trong khi đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục lại hầu hết là đất đã được xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp.

Tất cả những yếu tố này khiến cho chi phí GPMB của Dự án rất lớn. Dự án sẽ chiếm gần 160.000m2 đất, GPMB 2.044 hộ dân (quận Ba Đình 1.241 hộ, quận Đống Đa 803 hộ), với nhu cầu tái định cư là 2.239 căn hộ ở khu Nam Trung Yên, khu Tây Nam Kim Giang 1”, ông Nam An cho biết.

Hơn nữa, tổng mức đầu tư được duyệt mới chỉ là dự toán, và tất cả các chi phí đã được tính ở mức tối đa. Ngoài ra, chi phí GPMB còn được tính bao gồm cả phần di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi trong phạm vi dự án.

Theo đại diện Chủ đầu tư Dự án, dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, trên thực tế bao gồm 4 hạng mục: đoạn tuyến Vành đai 1, có điểm đầu tại nút giao Hoàng Cầu - Yên Lãng (Đống Đa); điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục, khu vực cổng trường Đại học GTVT (Ba Đình). Đoạn tuyến dài 2.274m, mặt cắt rộng 50m, bao gồm lòng đường mỗi bên rộng 15,5m, vỉa hè mỗi bên 8m.

Song song với việc hoàn thiện đoạn tuyến Vành đai 1, chủ đầu tư cũng sẽ thi công mở rộng đường Đê La Thành với mặt cắt 17m, bao gồm lòng đường rộng 9m, vỉa hè phía Bắc rộng 4,5m, phía Nam rộng 3,5m.

Giữa 2 làn đường được thiết kế, xây dựng một bãi đỗ xe và diện tích trồng cây xanh rộng trên 6.000m2. Đồng thời, để đảm bảo lưu thông cho tất cả các hướng di chuyển, qua khu vực, 2 cầu vượt trực thông qua các nút giao: Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh và Giảng Võ - Láng Hạ.

Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo thông tin thêm, do trên đoạn tuyến có 2 cầu vượt qua các nút giao: Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ - Láng Hạ nên chi phí xây lắp cũng cao hơn so với một số dự án khác. Bên cạnh đó, mức chi phí bồi thường, hỗ trợ, GPMB được thực hiện theo khung giá đất quy định của thành phố tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND.

Liên quan đến quy hoạch khu đất làm bãi đỗ xe, cây xanh, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa thông tin, quy hoạch này đã có từ năm 2000, trong quy hoạch chung của quận và được các cấp chính quyền thành phố cùng Bộ Xây dựng phê duyệt.

Theo tiến độ do Chủ đầu tư dự kiến, ngay trong tháng 1 này, dự toán và bản vẽ thiết kế kỹ thuật của Dự án sẽ được trình cấp có thẩm quyền, phấn đấu được phê duyệt trong quý I-2018. Từ quý II-2018 đến quý IV-2019 sẽ tổ chức GPMB và thi công trước 2 cầu vượt trực thông.

Từ quý III-2019 đến quý IV-2020 thi công phần nền đường và các hạng mục khác để hoàn thành và đưa dự án vào khai thác, sử dụng từ quý IV-2020. Theo ông Bảo, hiện nay các đơn vị có liên quan đang gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị để đối thoại với người dân, lắng nghe ý kiến và sẽ có những biện pháp hợp tình, hợp lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại