Hà Nội là đô thị đặc biệt nhất Việt Nam: Xây dựng thành phố trong thành phố, trung tâm văn hóa ở bãi nổi

T.Hà |

Với bộ luật dành riêng gồm 7 chương và 54 điều, Hà Nội được tạo điều kiện đặc biệt để phát triển toàn diện, xứng tầm.

*Luật Thủ đô chính thức áp dụng rộng rãi từ 1/1/2025
*Luật mới tạo điều kiện đặc biệt để Hà Nội phát triển toàn diện, xứng tầm.

Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Mở đầu cuộc họp báo, các đại biểu, phóng viên tham dự đã dành phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương vô hạn với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các luật được công bố hôm nay gồm: Luật Đường bộ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Thủ đô, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.

Trình bày tóm tắt về Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh, việc Quốc hội Thông qua Luật này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng một cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, đô thị đặc biệt, thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Hà Nội là đô thị đặc biệt nhất Việt Nam: Xây dựng thành phố trong thành phố, trung tâm văn hóa ở bãi nổi- Ảnh 1.

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP

Xây dựng “thành phố trong thành phố”

Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô, đó là thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, được định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ.

Thành phố thứ hai là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở phía Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Sự ra đời của 2 thành phố này được kỳ vọng sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, giúp kéo giãn dân cư khu vực nội đô.

Thành phố Bắc sông Hồng có diện tích lên tới hơn 630km2 với rất nhiều khu vực nông thôn, rừng núi. Trong khi đó thành phố phía Tây có diện tích hơn 250km2, ngoài cơ sở hạ tầng dành cho cư dân còn cần cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giáo dục, khoa học. Hà Nội đã đề xuất các giải pháp cho những thách thức này.

Trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi nổi sông Hồng

Tại khoản 7 Điều 21 nêu rõ, TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. HĐNDTP quy định chi tiết thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của TP.

Hà Nội là đô thị đặc biệt nhất Việt Nam: Xây dựng thành phố trong thành phố, trung tâm văn hóa ở bãi nổi- Ảnh 2.

Ảnh minh họa Trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi nổi sông Hồng bằng ứng dụng AI ChatGPT

TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Mô hình TOD tạo đột phá cho hệ thống giao thông công cộng

Luật đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Hà Nội là đô thị đặc biệt nhất Việt Nam: Xây dựng thành phố trong thành phố, trung tâm văn hóa ở bãi nổi- Ảnh 3.

Ảnh minh họa hệ thống giao thông công cộng phát triển ở Hà Nội trong tương lai bằng ứng dụng AI ChatGPT

Phát triển theo hệ thống giao thông công cộng (Transit Oriented Development – TOD) là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Ưu tiên dành riêng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước.

Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật cũng quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc.

Hà Nội là đô thị đặc biệt nhất Việt Nam: Xây dựng thành phố trong thành phố, trung tâm văn hóa ở bãi nổi- Ảnh 4.

Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: TPO

Thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước

Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa, học công nghệ.

Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách thành phố, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn.

Chủ động cắt điện, nước của công trình sai phạm

Điều 33 Luật Thủ đô cũng quy định, HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt.

Tổ chức chính quyền chuyên nghiệp, hiện đại

Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, Luật quy định chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường.

Thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch (tăng 1 Phó Chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND thành phố).

Nếu theo quy định tại Luật thì HĐND thành phố sẽ phải thực hiện tăng thêm trên 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách sẽ thêm sức mạnh cho bộ máy hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại