Hà Nội: Kiểm soát chặt chẽ trường hợp về từ vùng dịch

HOÀNG LÂN |

Chiều 10-2, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng chống dịch.

Không để xảy ra ca bệnh thứ phát

Theo Sở Y tế, tính đến 15h ngày 10-2, thế giới ghi nhận 40.614 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 910 người tử vong (Trung Quốc là 908 người). Bệnh đã xâm nhập sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.

Việt Nam đã ghi nhận 14 trường hợp dương tính với bệnh do nCoV, trong đó có 6 trường hợp đã khỏi bệnh. Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều ca nhiễm bệnh nhất với 9 người; thành phố Hồ Chí Minh có 3 ca nhiễm; Khánh Hòa có 1 ca nhiễm; Thanh Hóa có 1 ca nhiễm.

Tại Hà Nội, đến 15h ngày 10-2, chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV. Số trường hợp giám sát tại bệnh viện là 53 trường hợp nghi nhiễm nCoV, trong đó có 49 trường hợp đã xét nghiệm âm tính; số trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ là 4 người. Hiện tại, có 1.471 người đang được cách ly và theo dõi, giám sát sức khỏe do có tiền sử đi từ hoặc đi qua vùng dịch về; 861 người tiếp tục được cách ly, theo dõi sức khỏe.

Theo Sở Y tế, tại Trung Quốc, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tuy có giảm nhẹ, song số ca tử vong liên tục tăng cao. Các chuyên gia quốc tế nhận định, dịch bệnh có thể đạt đỉnh trong vài tuần tới.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Việt Nam, đến nay có 14 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó có 5 trường hợp tiếp xúc gần với người nghiễm bệnh. Dịch bệnh đã lây sang cộng đồng với các ca nhiễm thứ phát, Hà Nội có dân số đông, là đầu mối giao thông nên tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ca mắc thứ phát.

Do đó, Hà Nội cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố; kiểm soát chặt chẽ trường hợp về từ vùng dịch; kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng xử lý với mục tiêu không để xuất hiện ca bệnh thứ phát.

Tổ chức giám sát, cách ly chặt chẽ từ cơ sở

Tại cuộc họp, các quận, huyện, thị xã đều cho biết, thời điểm này đã thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh do nCoV theo yêu cầu chỉ đạo của thành phố, như: Tổ chức phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống dịch; phun khử khuẩn tại trường học, cơ quan công sở, chung cư; thực hiện nghiêm túc việc giám sát, cách ly đối với những trường hợp nghi nhiễm, những đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động, khách du lịch đi từ vùng dịch về…

Những địa phương được xem là địa bàn trọng điểm như huyện Mê Linh và Đông Anh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch, kiểm soát, cách ly an toàn.

Tại huyện Đông Anh, 3 bệnh viện đã được tăng cường cho hoạt động thu dung, giám sát, cách ly là: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương 2, Bệnh viện Bắc Thăng Long và Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đánh giá, các bệnh viện của Đông Anh đang làm tốt nhiệm vụ, yêu cầu của thành phố, đặc biệt khi cần điều động đều sẵn sàng các phòng cách ly theo đúng tiêu chuẩn để bảo đảm việc cách ly, giám sát an toàn, hiệu quả.

Còn đối với huyện Mê Linh, chính quyền địa phương đang làm tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch. Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại qua địa bàn huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); tiến hành phun khử khuẩn ở các trường học, cơ quan, công sở trên địa bàn.

Ngoài ra, huyện Mê Linh còn làm việc với 264 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Quang Minh, yêu cầu các doanh nghiệp đôn đốc vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn, tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ những trường hợp là người Trung Quốc hoặc người Việt Nam từ Trung Quốc về làm việc, sinh sống trên địa bàn theo thời gian quy định…

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đều đồng tình, biện pháp quan trọng nhất hiện nay trong phòng, chống dịch là cần phải thực hiện nghiêm túc giám sát, cách ly với tất cả trường hợp thuộc diện theo dõi.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, cần phân công lực lượng giám sát, nếu cần thiết, các địa phương có thể thực hiện biện pháp “mạnh tay” hơn là xử phạt hành chính với những trường hợp không thực hiện cách ly theo yêu cầu.

Bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất để học sinh đi học trở lại

Một trong những công việc được các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá là vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống dịch đó là vệ sinh môi trường, khử khuẩn. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, việc vệ sinh cần thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức như lau, rửa và không cần phun hóa chất khử khuẩn nếu không cần thiết. Thời gian tới, trước khi học sinh, sinh viên đi học trở lại, các trường học phải thực hiện khử khuẩn lần 3…

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế cũng nhấn mạnh việc hướng dẫn cho người dân cách sử dụng khẩu trang. Cụ thể là không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế, mà có thể sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn, giặt sạch sau mỗi lần dùng để tránh lãng phí để hạn chế nguồn rác thải y tế lớn gây mất vệ sinh môi trường.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: "Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà thành phố luôn đề ra, đó là các địa phương phải thực hiện tốt việc cách ly, giám sát những trường hợp nghi ngờ. Những trường hợp di chuyển từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) về phải được chuyển tới Bệnh viện Bộ Công an (Văn Phú - Hà Đông) để cách ly; những trường hợp nghi nhiễm phát hiện tại cộng đồng phải được đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế để cách ly; những trường hợp đi qua vùng dịch, có tiếp xúc với người nghi nhiễm phải được cách ly tại cơ sở lưu trú, cộng đồng…".

Đồng chí Ngô Văn Quý chỉ đạo, các cơ quan công sở, chung cư, chợ, bến xe, nơi công cộng… trên địa bàn cần được tổ chức vệ sinh môi trường, lau chùi khử khuẩn. Sau ngày 16-2, nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến xấu hơn thì Hà Nội sẽ cho học sinh đi học trở lại. Lúc đó, ngoài việc khử khuẩn lần 3, các trường học cần phải bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất, sẵn sàng cho học sinh.

Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Văn Quý cũng yêu cầu ngành Y tế cần phải có những hướng dẫn cụ thể cho người dân cách vệ sinh khẩu trang đúng cách; mời thêm chuyên gia hướng dẫn để người dân có thêm hiểu biết về cách phòng, chống dịch hiệu quả. Sở Y tế phải phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô chuẩn bị những phương án phòng khi xảy ra tình hình dịch bệnh ở cấp độ 4.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh, chủ động phương án phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, Phó chủ tịch thành phố cũng giao các sở ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của cơ sở như chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác phòng chống dịch, hướng dẫn mua sắm các vật tư y tế, phương án xử lý về kinh phí phục vụ cho người bị cách ly...

Hà Nội: Kiểm soát chặt chẽ trường hợp về từ vùng dịch - Ảnh 2.
Hà Nội: Kiểm soát chặt chẽ trường hợp về từ vùng dịch - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại