Chưa bao giờ người dân Hà Nội cảm thấy mình phải vội vã giống như những ngày này. Đã đến lúc người dân và quan chức Hà Nội chính thức nói lời tạm biệt câu cửa miệng: "Hà Nội không vội được đâu".
Nước sạch sông Đà nhiễm bẩn, là cú đánh bồi nặng ký vào tinh thần của hơn 8 triệu dân Thủ đô, vốn chưa hết bấn loạn trong vụ ô nhiễm không khí.
Ứng dụng Air Visual đã bị đóng lại tại Việt Nam. Nhưng chẳng có một cánh cửa nhiệm màu nào đóng lại tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ngoài việc sùng sục săn lùng những chiếc máy lọc không khí, với giá bị đẩy lên chót vót, thì người Hà Nội chỉ biết trông chờ vào một cơn mưa - giải pháp nhiệm màu để được "thoái ngôi vị số 1 thế giới" về ô nhiễm.
Ô nhiễm nước, không khí không tự nhiên đến. Nó đến từ con người. Và một trong những nguyên nhân quan trọng là đến từ sự ô nhiễm trong tinh thần trách nhiệm của những người có trách nhiệm.
Khi chỉ số ô nhiễm chưa được Hà Nội công bố, lãnh đạo nhà máy nước sạch Sông Đà vẫn khẳng định: Nước không có vấn đề gì. Nếu hàng trăm ngàn thượng đế không ngửi thấy mùi hôi, khét, rất có thể cuối năm 2019, Sông Đà vẫn sẽ có bản báo cáo những thành tích phục vụ nhân dân nặng ký.
Trước khi mức độ ô nhiễm của vụ cháy nhà máy Rạng Đông được công bố, lãnh đạo cty này vẫn giấu nhẹm việc mấy chục kg thủy ngân đã thất thoát ra cộng đồng.
Trước khi khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) biến thành một thực địa kinh hoàng của nhà cao tầng, khiến người dân chỉ hít thở khí thải của nhau đã đủ mệt, thì nó vẫn được định nghĩa là một khu đô thị kiểu mẫu.
Những cao ốc mọc lên dày đặc trong đất vàng nội đô, không chỉ khiến mức khí thải của con người tăng lên, mà còn khiến khí thải ô tô xe máy do nạn kẹt xe, tăng lên nhanh chóng. Ngay cả người đứng đầu Chính phủ cũng phải ngao ngán khi nhắc đến một tuyến đường mọc lên tới 50 khu cao ốc như Lê Văn Lương.
Có rất nhiều câu hỏi về tình trạng ô nhiễm của Hà Nội.
Tại sao 187 điểm đen về ô nhiễm môi trường (nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện…) tại 21/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội, vẫn chỉ di dời được rất ít? Do cơ chế hay do lực níu chân của những khoảnh đất vàng quá lớn?
Tại sao 1 tài xế xe tải cùng 2,5 tấn dầu thải lại có thể gây rúng động cho hàng trăm ngàn người ở một nơi rất xa như thế? Cơ chế kiểm soát ra sao nếu gã tài xế kia không đổ dầu mà là một chất nguy hại hơn nhiều?
Tại sao quan chức đi thị sát hiện trường cháy nhà máy thì đeo mặt nạ phòng độc, còn công nhân bình thường thì không?
Tại sao những dự án cải tạo sông chết Tô Lịch, Kim Ngưu lại không thể về đích nhanh chóng?
Nhưng để trả lời được những câu hỏi này, hãy nghe lại câu hỏi của cô bé 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, đặt ra cho các nhà lãnh đạo thế giới: "Sao quý vị cả gan làm như vậy? Sao quý vị dám cướp đi ước mơ và tuổi thơ của chúng tôi bằng những lời sáo rỗng?", khi cáo buộc họ thiếu trách nhiệm và phản bội trong việc chống lại biến đổi khí hậu.
Greta Thunberg kết luận:"Quý vị đã thất bại, không bảo vệ chúng tôi…Nếu quý vị chọn tiếp tục làm ngơ, không thực thi nghĩa vụ đối với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ qúy vị."
Quan chức, tầng lớp giàu có và người dân bình thường có thể khác nhau về nhiều thứ: Nhà cửa, ô tô, tiền tài, nhưng cấu tạo lá phổi và nhu cầu dùng nước thì lại giống nhau. Không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm thì quan chức, người giàu hay dân cũng đều bị ảnh hưởng gần như nhau. (Tất nhiên, người có điều kiện sẽ tạo khác biệt bằng máy lọc không khí – trong khi người nghèo lọc bằng mũi; người có điều kiện có thể mua thuốc thải độc, sâm nhung cao quế, thực phẩm chức năng – còn người nghèo tăng cường sức khỏe bằng… cơm).
Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo TP Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ và cụ thể hơn khắc phục tình trạng ô nhiễm, không thể để ô nhiễm khiến người dân thủ đô bức xúc như vừa qua. Trong số những người lo lắng về ô nhiễm không khí, đương nhiên có cả Thủ tướng và thành viên nội các, vì họ cũng đều phải hít thở chung bầu không khí đặc quánh này.
Không khí, nước, môi trường sống, tưởng là thứ "của chung", nhưng lại là "của riêng thiết yếu nhất" với mỗi người.
Muốn có được giải pháp căn cơ như yêu cầu của Thủ tướng, đương nhiên Hà Nội phải bắt đầu từ việc căn cơ trong xử lý ô nhiễm trách nhiệm.
Phải mất 20 năm tuyên chiến với hàng trăm giải pháp, Bắc Kinh mới giảm được vài chục phần trăm tỉ lệ ô nhiễm một số chất.
Cổ nhân dạy "không lo xa, ắt họa gần". Dùng tư duy nhiệm kỳ, tâm thế nhiệm kỳ, những nhà hoạch định và thực thi chính sách, sao có thể chống được ô nhiễm. Chỉ có chiến đấu theo nghĩa để lại một bầu khí thở, một nguồn nước trong lành cho chính mình và thừa kế cho con cháu mình, thì môi trường mới có thể được cứu vãn.
Không hành động quyết liệt từ bây giờ, Hà Nội sẽ sớm có hai loại hình kinh doanh mới: Bán khí sạch đóng chai và tư vấn... di cư khỏi Thủ đô.
Hà Nội không cần đại công trình; Hà Nội cũng không cần những kỷ lục hoành tráng, nếu như ngay cả việc kiểm soát đường đi của những hạt bụi nhỏ li ti xông thẳng vào phổi, mà thành phố này cũng thể không làm được.