Sáng 13-9, TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công an đã họp đánh giá bước đầu và đề ra các biện pháp xử lý hậu quả của vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân xảy ra đêm 12, rạng sáng 13-9.
Cấp cứu các nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Dung
Báo cáo ban đầu về vụ việc, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết vụ cháy xảy ra vào hồi 23 giờ 50 phút ngày 12-9. Ngôi nhà có diện tích khoảng 200 m2, với địa hình ngõ nhỏ, sâu, cách phố Khương Hạ 400 m.
Sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, lãnh đạo thành phố, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) Bộ Công an, Trường Đại học Cảnh sát PCCC, Công an thành phố, Công an quận Thanh Xuân đã có mặt tại hiện trường và chỉ đạo chữa cháy, khẩn trương thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân. Sau 45 phút xảy ra hỏa hoạn, đám cháy cơ bản được khống chế.
Trong quá trình chữa cháy, lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, Công an quận và các phường trên địa bàn quận Thanh Xuân cùng đông đảo người dân, sinh viên các trường đại học, các tình nguyện viên, các cơ sở y tế đã tích cực tham gia vào quá trình sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.
Đến 5 giờ ngày 13-9, thống kê sơ bộ đã thực hiện cứu nạn thành công trên 70 người, đưa đi cấp cứu 54 người. Số người bị thương đang được cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông; Bệnh viện Quân y 103... Công an TP Hà Nội cho biết hậu quả vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có hơn 30 người tử vong.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ những nạn nhân và những trường hợp bị ảnh hưởng do đám cháy. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Y tế, các cơ sở y tế, tập trung, cố gắng cứu chữa tối đa người bị nạn, kinh phí chữa trị do thành phố đảm bảo.
Đối với việc hỗ trợ người bị nạn, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND TPố, Ủy ban MTTQ TP, các sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp hỗ trợ ở mức cao nhất đối với những trường hợp nạn nhân, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn. Nguồn hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách, xã hội hóa và nguồn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Bước đầu, đối với các trường hợp tử vong, thành phố hỗ trợ 37.000.000 đồng/người và 12.400.000 đồng với người bị thương. Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố hỗ trợ thêm 5.000.000 đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10.000.000 đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của thành phố, quận, phường và tổ chức đoàn thể-xã hội.
Đối với sinh viên, công nhân, người lao động thuê (hoặc ở ghép tại căn hộ), TP Hà Nội hỗ trợ mỗi cá nhân 1,5 triệu/người/tháng trong 6 tháng; hỗ trợ toàn bộ chi phí tại bệnh viện đối với người bị thương trong vụ hỏa hoạn phải điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ hỏa hoạn, mức 5 triệu đồng/trẻ. Đồng thời, giao chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ ổn định chỗ ở, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu đảm bảo cuộc sống cho người dân để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật; đẩy mạnh rà soát, khắc phục ngay những tồn tại có nguy cơ cháy nổ trên địa bàn thành phố. Các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng tới từng người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý tình huống khi có đám cháy xảy ra.