Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, mật độ phương tiện ra vào các trục hướng tâm Hà Nội cao, QL5 hướng từ Hưng Yên còn có nhiều khu công nghiệp, tập đoàn sản xuất nước ngoài nên nếu di dời trạm thu phí BOT số 1 về vị trí giáp ranh Hà Nội sẽ gây rối loạn giao thông hơn.
Cùng với đó, bức xúc của dư luận, lái xe sẽ tăng lớn hơn khi nhiều xe tải chỉ chở hàng từ các khu công nghiệp ở khu vực Mỹ Hào (Hưng Yên), Như Quỳnh, Dương Xá (Hà Nội) đi một đoạn trên QL5 để ra hướng cầu Thanh Trì (QL1) nhưng phải trả đến 180.000 đồng phí tính cả lượt đối với xe tải lớn.
Do vậy, nếu Bộ GTVT tổ lấy ý kiến về phương án chuyển trạm thu phí BOT số 1 - QL5 về giáp Hà Nội, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội sẽ không đồng tình.
Chung quan điểm, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho hay, dư luận nhân dân lâu nay vốn có thiện cảm không tốt với các trạm BOT, do vậy nếu di dời trạm BOT số 1 QL5 về giáp Hải Dương là đẩy khó khăn, phức tạp từ khu vực này đến khu vực khác.
Theo ông Long, QL5 qua Hải Dương lâu nay, mang tiếng là đường nhà đầu tư BOT tiếp quản, duy tu nhưng mặt đường xuống cấp trầm trọng.
“Trước tình trạng mặt đường xấu và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, chúng tôi đã nhiều lần có văn bản tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị với Bộ GTVT duy tu, sửa chữa mặt đường gấp.
Tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn chưa có kết quả”, ông Long nói.
Với thực trạng đường như trên và trạm thu phí BOT lại đặt không phải trên đường dự án, ông Long đặt câu hỏi: liệu người tham gia giao thông tại Hải Dương và các khu vực lân cận có chấp nhận để trả phí cao như ở trạm BOT? Khi được đề cập đến phương án giải quyết bức xúc của lái xe tại trạm thu phí số 1 - QL5 như hiện nay, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho rằng, giải pháp căn bản và có thể làm được ngay là cần giảm phí cho phương tiện qua lại.
Trước đây QL5 đã có trạm thu phí của nhà nước và thu 10.000 đồng/lượt xe ô tô, với mức thu này lái xe hầu như không có phản ứng gì.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 12/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ đã giao cho Tổng Cục đường bộ xem xét, tổng hợp các ý kiến, đề xuất của địa phương để báo cáo Bộ.
Theo ông Nhật, giảm phí hoặc di chuyển trạm thu phí số 1 sẽ là nội dung được Bộ GTVT họp với các bộ ngành liên quan trong những ngày tới, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
QL5 (Hà Nội - Hải Phỏng) là tuyến đường được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, năm 2015, sau khi tuyến cao tốc BOT Hà Nội - Hải Phòng thông xe, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT hướng dẫn Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI (chủ đầu tư) tiếp quản tuyến QL5 để thu phí hoàn vốn dự án.
Sau khi tiếp nhận, VIDIFI đã lập 2 trạm BOT và thu với mức phí 40.000 đồng/lượt/trạm ô tô dưới 12 chỗ và 180.000 đồng/lượt/trạm với xe tải lớn. So với mức phí 10.000 đồng/lượt được trạm nhà nước thu trước đó, các trạm thu phí BOT của VIDIFI đã thu cao vượt gấp 4 lần.
Cho rằng mức phí quá cao và phương tiện không đi đường cao tốc nhưng vẫn phải trả phí BOT, từ ngày 4/9, trạm thu phí số 1 QL5 liên tục xảy ra tình trạng lái xe dùng tiền lẻ với mện giá 200 đồng và 500 đồng mua vé qua trạm, gây ùn tắc kéo dài.
Để giải quyết tình trạng trên, trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT, Tài chính, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị liên liên bộ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung thông tư của Bộ Tài chính theo hướng giảm mức thu phí sử dụng đường bộ đối với tất cả phương tiện khi qua trạm số 1 trên quốc lộ 5, đặt tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên).
Cụ thể, miễn thu phí cho phương tiện sử dụng đường bộ của nhân dân các xã, thị trấn nằm trong bán kính 5 km xung quanh trạm, gồm xác xã: Trưng Trắc, Lạc Hồng, Đình Dù, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm); xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp (huyện Yên Mỹ); thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào).
Cùng với đó, để hạn chế phương tiện đi vào các đường tỉnh nhằm trốn vé qua trạm thu phí, gây thất thoát ngân sách, hư hỏng mặt đường, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đề nghị các cơ quan chức năng xem xét di chuyển trạm thu phí số 1 về vị trí tiếp giáp giữa địa phận tỉnh Hưng Yên và Hà Nội, hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.