Chiều 10/11, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Như Ý
Cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới
Về đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật lần này đề xuất cho phép Hà Nội thực hiện nhiều chính sách đặc thù, như tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Cùng với đó mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Dự thảo luật cũng cho phép thực hiện dự án TOD là một dự án tổng thể, trọng điểm của thủ đô hoặc vùng thủ đô. Theo đó, Hà Nội được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được sẽ đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.
Hà Nội cũng được thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực vận tải, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực thủy lợi.
Cùng với đó cho phép Hà Nội quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng và giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết về giám sát thử nghiệm và kết thúc quá trình thử nghiệm.
Phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Chẳng hạn như Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng...
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
Cơ chế nổi trội để thu hút nhân tài
Một chính sách nổi bật khác cũng được dự thảo Luật Thủ đô đề xuất là cho phép Hà Nội thực hiện các chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cụ thể, việc thu hút, trọng dụng nhân tài được thực hiện với các công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc trong các lĩnh vực, ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.
Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.
Dự thảo luật cũng đề xuất cho phép Hà Nội sử dụng hỗ trợ từ ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có nhiều cấp học trên địa bàn thủ đô. Cùng với đó, cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của thủ đô đi học tập tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.