Hà Nội dự báo thưởng Tết một số ngành giảm sâu

XM |

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội vừa có dự báo tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2021, trong đó giảm sâu có cách ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ...

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, qua theo dõi, nắm bắt tình hình, mặt bằng chung tiền lương năm nay tăng do tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thưởng Tết Nguyên đán của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn có thể giảm.

Hà Nội dự báo thưởng Tết một số ngành giảm sâu - Ảnh 1.

Một đơn vị may mặc tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

"Tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2022 tăng so với năm 2021 khoảng từ 6 % đến 7%", ông Nguyễn Hồng Dân dự báo.

Về thưởng Tết, theo quy định của pháp luật lao động, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.

Do vậy, ông Nguyễn Hồng Dân dự báo, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2021, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.

Bên cạnh đó, do tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp gặp khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm. Các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh thì gồng lỗ để duy trì lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính thì buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng.

"Công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích "ứng" ngày nghỉ phép của năm sau. Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cho người lao động nghỉ dài ngày, có thể kéo dài cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng.

Thậm chí, một số doanh nghiệp phải cắt, giảm lao động, chấm dứt hợp đồng với người lao động. Việc cắt, giảm giờ làm tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông", ông Nguyễn Hồng Dân cho biết.

Theo số liệu thống kê từ các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 15/11 có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 lao động.

Riêng khu công nghiệp và chế xuất có 7 doanh nghiệp sử dụng 6.148 lao động phải giảm giờ làm của người lao động hoặc buộc phải chấm dứt HĐLĐ, trong đó có 1.609 lao động bị giảm giờ làm; 634 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.

"Các doanh nghiệp có khách hàng truyền thống thì có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2022, có thể gối sang đầu năm 2023. Tuy nhiên, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài sang năm 2023. Đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ...”, ông Nguyễn Hồng Dân thông tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại