Phí trông ôtô tăng lên 4 triệu, xe máy 240.000 đồng/tháng
Tại Quyết định số 20 được UBND thành phố Hà Nội thông qua năm 2016, phí sử dụng tạm thời lòng đường đang có mức cao nhất là 80.000 đồng/m2/tháng, phí vỉa hè cao nhất là 45.000 đồng/m2/tháng.
Với mức phí này, cộng thuế VAT (trên hợp đồng hoặc vé), thuế DN và chi phí nhân công, mức phí trông giữ xe tại khu vực các quận nội thành Hà Nội hiện được niêm yết như sau: Đối với xe máy mức phí cao nhất là 50.000 đồng/tháng (giá vé lượt 3.000 đồng/lượt); đối với ô tô gửi ban ngày có giá từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng (vé lượt từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt).
Các mức phí thu thực hiện từ 1/1/2017, nhưng đầu tháng 11, UBND thành phố Hà Nội vừa có đề xuất điều chỉnh mức phí sử dụng lòng, hè đường tại khu vực trung tâm theo hướng tăng cao nhất gấp 3 lần.
Nhiều ý kiến cho rằng, vì tăng phí lòng, hè đường sẽ đồng nghĩa với việc tăng giá phí trông giữ xe, do vậy cùng với việc đề xuất tăng thu từ đơn vị trông xe, UBND thành phố cũng phải đưa ra được mức phí thu từ hoạt động trông giữ xe cũng sẽ tăng lên bao nhiêu.
Nội dung này sẽ giúp các tổ chức thẩm định, cơ quan được lấy ý kiến và đại biểu HĐND thành phố nắm được mức phí trông xe sau khi áp dụng mức tăng phí lòng, đường hè mới.
Theo đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, do đề xuất chỉ có nội dung tăng phí lòng, hè đường, không có phương án tăng phí trông giữ xe nên nếu việc này được HĐND thành phố thông qua vào tháng 12 tới sẽ có ba bất cập.
Thứ nhất, tổ chức, DN trông giữ xe sẽ không có phương án, hướng dẫn của việc thu phí phương tiện theo mức tăng này, dẫn đến khó hoạt động;
Thứ hai, do bản thân UBND thành phố không thể ban hành được biểu phí, giá nên để thực hiện được việc trên, UBND thành phố lại phải xây dựng thêm một đề xuất khác, mất thời gian.
Thứ ba, đề xuất tăng phí lòng, hè đường không có nội dung tăng phí trông xe, khiến nhiều đại biểu HĐND có thể bị nhầm lẫn khi chỉ thấy tăng thu cho ngân sách thành phố nhưng lại không biết người dân sẽ bị thu bao nhiêu tiền trông xe từ mức tăng này.
Từ những nhận định trên, đại diện các tổ chức, xã hội nghề nghiệp trong đó có Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hiệp hội Vận tải Hà Nội… cho rằng, đề xuất vẫn chưa rõ ràng, thuyết phục.
Còn Chủ tịch Ủy ban Mặt trật Tổ quốc thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, đề xuất mới chỉ có căn cứ pháp lý, chưa có căn cứ thực tiễn.
Thành phố cần điều chỉnh lại
Từ mức đề xuất tăng phí mới của UBND thành phố, nhiều đơn vị, DN đang tổ chức trông giữ xe theo Quyết định số 58/2016 của UBND thành phố Hà Nội đều khẳng định, nếu thành phố tăng phí “bến, bãi” (lòng, hè đường) như trên sẽ đồng nghĩa với việc họ phải tăng giá trông xe.
Theo đại diện một đơn vị đang được cấp phép trông giữ xe trên đường tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, với mức tăng phí lòng, hè đường từ 2 đến 3 lần được thực hiện, mức phí trông xe cũng sẽ được điều chỉnh ngay cho phù hợp.
Cụ thể, thay vì mức giá từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng (vé lượt từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt) với ô tô, để đủ kinh phí thu chi DN trông xe phải thu mỗi ô tô 4 triệu đồng/tháng, vé lượt là 100.000 đồng/lượt (2 giờ); với xe máy 220.000 đồng/tháng, vé lượt là 10.000 đồng/lượt (2 giờ).
Lý giải cho mức thu trên, DN đưa ra con số tính toán: 1 ô tô đang chiếm chỗ đỗ 11m2, với mức phí lòng đường đề xuất tăng 240.000 đồng/m2, mỗi tháng DN phải trả 2.640.000 đồng/ôtô, cùng với đó là 10% thuế VAT, 20% thuế thu nhập DN, chi phí lương, chế độ nhân viên… khoảng 1.200.000 đồng/tháng.
Tổng cộng mỗi tháng 1 ô tô DN phải chi 3.940.000 đồng.
Với mức phí này, để hoạt động được, mỗi tháng DN phải thu ít nhất từ 4 triệu đến 4,1 triệu/ô tô, nếu chia ra vé lượt mỗi lượt sẽ có giá 130.000 đồng/lượt (2 giờ).
Với xe máy, theo tính toán, mỗi xe máy đang chiếm 1m2, mỗi tháng DN phải đóng 135.000 đồng/tháng, cộng các khoản chi phí DN như ở trên thêm khoảng 80.000 đồng, mỗi tháng DN phải đóng thuế là 215.000 đồng/xe máy, để hoạt động được DN phải thu ít nhất, từ 230.000 đến 240.000 đồng/xe máy, thu theo lượt sẽ là 10.900 đồng/lượt.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, đây là mức tăng “không tưởng” đối với mặt bằng chung của dân.
Theo ông Nghiêm, không biết lãnh đạo UBND thành phố căn cứ vào đâu để đưa tăng mức phí lòng, hè đường như vậy. “Đây là một quyết định đổ khó khăn lên đầu dân, đơn vị khai thác, sử dụng lòng, hè đường…”, ông Nghiêm đánh giá.
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội cho rằng, với mức tăng phí đến gấp trên 3 lần như ở trên là quá cao, nếu buộc phải tăng cần tăng từ 1,5 đến 2 lần là hợp lý.
Cho ý kiến về đề xuất tăng phí lòng, hè đường vừa qua của UBND thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm cũng vừa có văn bản kiến nghị với các cơ quan của thành phố đề xuất giảm.
Cụ thể, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất: Khu vực lõi đô thị (12 tuyến phố cấp 1): với ô tô từ 240.000 đồng/m2 (như phương án của thành phố) giảm xuống 100.000 đồng/m2/tháng; với xe máy từ 135.000 đồng giảm xuống còn 50.000 đồng/m2/tháng; các tuyến phố còn lại, với ô tô: từ 150.000 đồng giảm xuống 80.000 đồng/m2/tháng, xe máy từ 90.000 đồng giảm xuống 30.000 đồng/m2/tháng.
Thay vì 1,2 triệu đồng và 45.000 đồng/tháng, với mức phí sử dụng lòng, hè đường vừa được UBND thành phố Hà Nội đề xuất tăng gấp 3 lần (Tiền Phong các ngày 16, 17/8 đã phản ánh), sắp tới phí trông ô tô tại Hà Nội được tính toán sẽ tăng lên 4 triệu đồng/tháng, còn xe máy là 240 nghìn đồng/tháng.