Hà Nội: Đề xuất lắp camera phạt nguội lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có khả thi?

NHÓM PV BẠN ĐỌC |

Đề xuất phạt nguội hành vi lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu áp dụng biện pháp này cần thận trọng và mềm dẻo để tránh gây căng thẳng và những hậu quả không tốt.

Vỉa hè vẫn ngổn ngang

Sau khi TP.Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý vi phạm về an toàn giao thông, lập lại trật vỉa hè, lòng đường là nhiều tuyến đường, khu phố trên địa bàn Thủ đô đã phong quang, sạch sẽ.

Tại các huyện ngoại thành, vỉa hè lòng đường cũng đã giảm tình trạng lấn chiếm, “biến của công thành của tư”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, sau hơn 6 tháng Hà Nội ra quân lập lại trật tự đô thị, vỉa hè lòng đường, không ít tuyến phố đã bị lấn chiếm trở lại.

Trên các con phố như đường La Thành, cả hai bên vỉa hè đều bị các hộ gia đình sử dụng làm nơi buôn bán vật liệu xây dựng, hàng ăn, hành nghề cơ khí.

Ngay tại đường Lê Văn Lương dù vỉa hè rộng khoảng 7m nhưng cũng bị nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm, buộc người đi bộ thường xuyên phải đi xuống lòng đường.

Bên cạnh đó, tại các chợ cóc, việc lấn chiếm vỉa hè diễn ra phổ biến, thậm chí ôm trọn lòng đường khiến người dân gặp khó khi di chuyển.

Cụ thể, đoạn gần ngã tư Tố Hữu - Vạn Phúc còn xuất hiện hàng loạt các xe chở hoa quả, người bán hàng chiếm dụng hết vỉa hè.

Ở khu vực phía sau bến xe Giáp Bát, khu vực nhà xe trả khách cả hai bên vỉa hè rộng mỗi bên chừng 5m đều bị hộ kinh doanh tận dụng làm nơi trông giữ xe, quán ăn…

Tại tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc bởi người đi bộ cũng phải đi xuống lòng đường. Các chủ kinh doanh ngang nhiên bày biện, làm khu trông giữ xe ngay cả khi có biển cấm.

Phạt nguội đến 25 triệu đồng?

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị giao ban trực tuyến quý IV năm 2017 của thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã diễn ra vừa qua, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT - đề xuất tới đây Hà Nội cần ghi hình để “phạt nguội” hành vi lấn chiếm vỉa hè.

“Xử phạt vi phạm trật tự đô thị vừa qua như ném hòn gạch xuống ao bèo, khi chúng ta ra quân thì hết sức sạch sẽ nhưng đến khi dừng lại thì đâu lại vào đấy.

Khi có lực lượng cảnh sát, đội tự quản đi kiểm tra thì người kinh doanh dọn hết vào trong nhưng khi vừa đi qua thì họ lại chạy ra để kinh doanh” - ông Viện phân tích.

Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đã có Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12.11.2013 cho phép sử dụng các phương tiện ghi hình để xử lý vi phạm giao thông. Hiện ở các nút giao thông, hệ thống camera đã xử lý rất hiệu quả.

“Chúng tôi kiến nghị Thành phố ban hành quy định cho phép cảnh sát trật tự quận, phường sử dụng camera ghi lại hình ảnh nhà hàng, những điểm vi phạm để xử lý vi phạm mà không phải tổ chức “truy đuổi” như trong thời gian qua.

Nếu chúng ta xử lý nghiêm theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26.5.2016 với khung xử phạt là 25 triệu đồng một vi phạm trật tự hè phố, tôi nghĩ sẽ xử lý triệt để vấn đề này trong thời gian tới” - ông Viện nhấn mạnh.

Nói về đề xuất “phạt nguội” vi phạm vỉa hè, ông Bùi Danh Liên - Hiệp hội vận tải Hà Nội - cho rằng, để làm được việc này Hà Nội phải soạn thảo thành các quy định trong luật và trình lên Quốc hội thông qua.

Sau đó là đẩy mạnh tuyên truyền tới các cơ quan quản lý trên địa bàn, chính quyền quận, phường để thực hiện trên toàn thành phố.

“Bước đầu nên tuyên truyền nhắc nhở, đến mức độ nào đó mới ra quyết định xử phạt. Không nên đặt nặng vào vấn đề xử phạt bởi dễ gây căng thẳng và những hậu quả không tốt.

Nói cách khác, cần thận trọng và mềm dẻo” - ông Liên cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại