Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến

Việt Nga |

Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Thay vì tiếp xúc trực tiếp, chúng ta có thể ứng dụng công nghệ để hình thành cuộc sống số.

Đó cũng là một trong các mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch công nghệ thông tin năm 2020 do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành, trong đó chú trọng phát triển các ứng dụng trực tuyến phục vụ chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến - Ảnh 1.

Người dân sử dụng dịch vụ công mức độ 4 tại quận Đống Đa. Ảnh: Mạnh Hưng

Theo ông Hoàng Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Tin học - Công báo thành phố (Văn phòng UBND thành phố), thành phố cùng 24 sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức họp trực tuyến trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh. Đến nay, đã tổ chức được 153 cuộc họp trực tuyến; trong đó có 26 cuộc họp với Chính phủ, bộ, ngành trung ương; 31 cuộc họp của thành phố đến các ngành, cấp huyện và 579 cấp xã; 96 cuộc họp giữa các quận, huyện, thị xã họp với cấp xã triển khai phòng, chống dịch Covid-19. Theo đánh giá của Văn phòng UBND thành phố, các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng họp trực tuyến gồm: Đông Anh, Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh.

Cùng với đó, Hà Nội đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong tổng số 1.424 thủ tục hành chính đã được triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 hiện nay thì riêng thành phố cung cấp 1.184 dịch vụ (còn lại của bộ, ngành và đơn vị tự triển khai), đạt tỷ lệ 89%.

Về phía địa phương, theo ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, quận đã trang bị máy tính bảng đồng bộ cho các vị trí lãnh đạo (đến tận cấp phường) giúp xử lý, điều hành công việc mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, quận cũng đã hoàn thành ứng dụng chữ ký số chuyên dùng cho cán bộ cấp trưởng 13 phòng, ban chuyên môn, 20 phường... Do vậy giúp giảm thời gian họp trực tiếp cũng như công văn, giấy tờ. Còn theo bà Phan Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng UBND quận Cầu Giấy, thông qua các thiết bị thông minh, quận đã xây dựng các nhóm quản lý nhà nước để quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường... góp phần nâng cao quản lý nhà nước trên địa bàn.

Trong Kế hoạch công nghệ thông tin năm 2020, thành phố đặt mục tiêu trong năm nay 90% cuộc họp của UBND thành phố đến sở, ban, ngành, quận, huyện và 80% số cuộc họp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đến cấp xã được thực hiện trực tuyến. Cùng với đó, tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được cập nhật qua hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Rút ngắn từ 30% đến 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử...

Triển khai giải pháp trên, ông Nguyễn Anh Việt, Trưởng phòng Ứng dụng công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho biết, Sở đang hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các nội dung trong kế hoạch. Trong đó, Sở sẽ cùng với các đơn vị trực thuộc thực hiện tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, quận đang triển khai trang bị thiết bị số để công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 tại nơi sinh sống. Còn theo bà Phan Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng UBND quận Cầu Giấy, UBND các phường trên địa bàn đang phối hợp với chủ đầu tư, ban quản trị các tòa nhà chung cư lắp đặt điểm truy cập dịch vụ công trực tuyến phục vụ cư dân. Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo phổ biến, tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho học sinh trung học cơ sở thông qua chương trình giảng dạy ngoại khóa...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại