Hà Nội đánh giá lại để xem có tiếp tục chủ trương lát đá vỉa hè "độ bền 70 năm"

B.H.Thanh |

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết trong năm 2023 cần đánh giá lại hiệu quả của chủ trương này, có tiếp tục chủ trương lát đá vỉa hè mới hay không.

Chiều 2-12, HĐND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, dự kiến ra từ ngày 7-12 đến 10-12.

Hà Nội đánh giá lại để xem có tiếp tục chủ trương lát đá vỉa hè độ bền 70 năm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội (đứng), thông tin tại họp báo chiều 2-12

Kỳ họp dự kiến xem xét 44 nội dung gồm 22 báo cáo và 22 nghị quyết. Các báo cáo thường lệ gồm: Báo cáo về của UBND TP về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của TP Hà Nội; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách của TP Hà Nội năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP Hà Nội năm 2023.

Đồng thời, xem xét kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2022; kết quả thực hiện kết luận của Chủ tọa phiên chất vấn, trả lời chất vấn và những cam kết tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP; kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022; báo cáo trong các lĩnh vực tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật...

Kỳ họp cũng xem xét các báo cáo về hoạt động của HĐND TP năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp cuối năm 2022 HĐND TP; các báo cáo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND TP...

Kỳ họp sẽ dành 1 ngày (ngày 9-12) để HĐND TP thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu HĐND TP và cử tri, dư luận quan tâm. Dự kiến phiên chất vấn sẽ có hoạt động chất vấn, tái chất vấn sau giám sát; chất vấn về việc thực hiện cam kết, lời hứa. Các nhóm vấn đề được cử tri quan tâm như: Nhóm vấn đề hoạt động môi trường, xử lý nước thải; công tác thoát nước; vấn đề di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP...

Tại cuộc họp, các phóng viên đã nêu nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề dân sinh, những vấn đề "nóng" trên địa bàn thành phố, như: Vấn đề giám sát tài sản công; các dự án treo, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng; vấn đề lát đá vỉa hè; dự thảo đề xuất ở nhà thuê tối thiểu 20 m2 mới được đăng ký thường trú Hà Nội; kết luận thanh tra tại đường Lê Văn Lương...

Bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban kinh tế, ngân sách HĐND TP Hà Nội, cho biết về hiện các dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, HĐND TP đã giám sát, tái giám sát, chất vấn giải trình nhiều lần tại nghị trường. "Theo yêu cầu của chủ tịch HĐND, UBND TP Hà Nội định kỳ phải báo cáo việc thực hiện nghị quyết số 04 ngày 8-4-2022 của HĐND TP Hà Nội sau phiên chất vấn về dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng. Hiện nay đã nhận được báo cáo của UBND TP về nội dung này. Đây cũng sẽ là một nội dung mà Thường trực HĐND TP sẽ đưa ra để các đại biểu HĐND TP thảo luận tại các tổ đại biểu hoặc tại nghị trường tại kỳ họp thứ 10. HĐND TP sẽ quan tâm, rà soát, kiểm tra trên tinh thần giám sát đến cùng, đôn đốc đến cùng" - bà Nga nói.

Liên quan tới câu hỏi vai trò giám sát quản lý tài sản công của HĐND TP khi hiện nay nhiều tài sản công bị bỏ hoang, gây lãng phí, bà Nga cho biết nội dung này đã được HĐND TP Hà Nội giám sát tại kỳ họp thứ 7 năm 2022 và có nghị quyết số 16 thông qua kết luận giám sát. Trong nghị quyết, HĐND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại mà đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội đã chỉ ra. Đồng thời, yêu cầu UBND TP định kỳ tại kỳ họp cuối năm hoặc theo yêu cầu của thường trực HĐND phải báo cáo việc triển khai các nội dung đoàn giám sát và HĐND đã có quyết nghị. Tại kỳ họp thứ 10 này, HĐND cũng đã yêu cầu UBND TP báo cáo rõ về nội dung này, đây chắc chắn là nội dung nhiều đại biểu quan tâm.

Liên quan đến câu hỏi hiện nay nhiều tuyến đường tại Hà Nội lát đá vỉa hè có "độ bền 70 năm" nhưng chỉ qua một thời gian ngắn đã xuống cấp, HĐND TP Hà Nội có giám sát gì về vấn đề này? Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, cho hay những tuyến đường lát đá chưa bảo đảm yêu cầu, Ban Đô thị HĐND TP đã giám sát và có kiến nghị UBND TP có giải pháp, đánh giá lại. UBND TP đã ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về lát đá vỉa hè.

"Hiện nay chúng ta đang thực hiện việc lát đá theo bộ quy chuẩn mới về về lát đá vỉa hè của UBND TP. Hiện chúng ta thấy có một tuyến phố vỉa hè đã hỏng, chúng ta cũng nên phân biệt có hai loại, một loại lát theo tiêu chuẩn cũ, một loại lát theo tiêu chuẩn mới. Mặc dù đã có quy chuẩn, nhưng vẫn chưa bảo đảm nên trong thẩm tra của ban đô thị kỳ này chúng tôi khẳng định việc này nhiệm vụ phải đưa vào nhiệm vụ của UBND TP. Theo đó, trong năm 2023 cần đánh giá lại hiệu quả của chủ trương này, có tiếp tục chủ trương lát đá vỉa hè mới hay không" - ông Quân nêu.

Liên quan tới kết luận của Bộ Xây dựng về việc "băm nát quy hoạch đường Lê Văn Lương" nhưng UBND TP Hà Nội lại khẳng định việc xây nhà cao tầng ở tuyến đường này là "đúng quy hoạch", phóng viên đặt câu hỏi HĐND TP Hà Nội có đánh giá, nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? Ông Nguyễn Ngọc Việt, Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội, cho biết HĐND TP rất quan tâm đến các vấn đề các phóng viên nêu vì đây cũng là kênh để HĐND TP đề xuất trong thực hiện chức năng giám sát của mình.

Ông Việt cho rằng việc chọn những nội dung giám sát của HĐND TP trong kỳ tới phải trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến của đại biểu HĐND TP ở các tổ ứng cử tại các địa bàn với những vấn đề dân sinh bức xúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại