Hà Nội: Chủ động, kịp thời khôi phục kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài

Hà Linh |

Việc Hà Nội sớm đưa ra các kịch bản kinh tế để ứng phó với dịch Covid-19 giúp thành phố chủ động hơn trong việc tháo gỡ khó khăn một cách trực tiếp, nhanh chóng, “tiếp sức” cho doanh nghiệp, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Vừa xây dựng kịch bản ứng phó, vừa bắt tay thực hiện

Ngay từ tháng 2-2020, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam chưa diễn biến phức tạp, TP Hà Nội đã xây dựng các kịch bản kinh tế ứng phó với dịch bệnh. Ông Nguyễn Mạnh Quyền- Giám đốc Sở KH- ĐT Hà Nội cho rằng, dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, vẫn có một số lĩnh vực có cơ hội để phát triển như: sản xuất thiết bị y tế, bảo hộ sức khỏe, dược phẩm, sản xuất nông nghiệp…

Căn cứ tình hình 2 tháng đầu năm 2020, kịch bản tăng trưởng của cả nước; đánh giá tác động của dịch bệnh đến phát triển của các ngành, lĩnh vực và những tình huống giả định của dịch bệnh, Hà Nội đưa ra các kịch bản tăng trưởng năm 2020.

Theo đó, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV “bứt tốc” thì tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Trường hợp, dịch bệnh được kiểm soát vào quý III, tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.

Trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 5%).

Đồng thời với việc đưa ra các kịch bản kinh tế phù hợp với diễn biến của từng giai đoạn dịch bệnh, gần 2 tháng qua, Hà Nội đã tiến hành hàng loạt biện pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không ngồi đợi dịch qua đi mới tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Đối thoại, nhìn trực diện vào khó khăn của doanh nghiệp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là khi Hà Nội là địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước thì bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là tập trung nhân lực, vật lực phòng chống dịch, Hà Nội đã tiến hành nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, duy trì và phát triển sản xuất để nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.

Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội đã tổ chức đối thoại trực tiếp với đại diện doanh nghiệp Thủ đô để nhìn trực diện vào những khó khăn của doanh nghiệp, để khi dịch bệnh qua đi, thành phố đã chủ động được phương án phục hồi.

Tại hội nghị đối thoại này, ông Đỗ Quang Hiển- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã kiến nghị thành phố xem xét giải pháp giảm các loại thuế, không chỉ trong thời gian này mà có thể kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ có mặt bằng sản xuất.

Các doanh nghiệp khác cũng mong muốn được hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê mặt bằng… để sớm ổn định sản xuất trở lại.

Đối thoại với doanh nghiệp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: “TP xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân; Sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục... để cho các dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn TP được kích hoạt, thông suốt”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, TP sẽ triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Những quyết sách trong thẩm quyền của thành phố sẽ sớm được triển khai.

“TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch và tuyệt đối không có tiêu cực trong việc thực thi các cơ chế, chính sách của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp”- người đứng đầu thành phố cam kết.

Các quyết sách quan trọng, kịp thời

Triển khai thực hiện nghiêm túc 7 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, Hà Nội đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...

TP có nhiều ưu đãi về tín dụng, lãi suất, mặt bằng, đổi mới công nghệ... cho doanh nghiệp. Cụ thể là Hà Nội đã triển khai hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc...

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng; thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, hiện có khoảng 3.600 doanh nghiệp được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tại các cụm công nghiệp; Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1.016,72 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng…

Hà Nội đã triển khai các chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; Hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng…

TP cũng quan tâm hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. TP đã triển khai 2 đề án: Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 với trọng tâm là các chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV (trên 20 tỷ/năm).

Hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo (20 triệu đồng/1DN/1 năm); Hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở ươm tạo, không gian khởi nghiệp không quá 200 triệu đồng/cơ sở... trên cơ sở ưu tiên các ngành có lợi thế và cơ hội phát triển.

TP cũng bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân;

Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 như: Người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động (y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản…) để động viên người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực khác cho những nhóm đối tượng bị tác động bởi Covid-19 như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN trên địa bàn; Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; Hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Các quyết sách này hiện đang được TP triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại