UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023...
Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, với nhiều nhiệm vụ và giải pháp như: Thúc đẩy tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; cơ cấu lại kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới, các động lực tăng trưởng mới; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...
Nhà máy thuốc lá Thăng Long thuộc diện phải di dời theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Thành phố xác định sẽ đẩy nhanh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt là đẩy nhanh công tác quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.
Cụ thể, thành phố sẽ hoàn thành trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 . Cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; hoàn thành một số quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại khu chung cư cũ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch quy hoạch đã được duyệt.
Cùng với đó, Hà Nội tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị (Nhổn – ga Hà Nội, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo…); vận hành thương mại đoạn trên cao đường sắt Nhổn – ga Hà Nội; hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Vĩnh Tuy 2 và khai thác hiệu quả Vành đai 2 trên cao.
Đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài… Hoàn thành các thủ tục đầu tư giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội ; dự án đầu tư xây dựng kết nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.
Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành một số công viên, gồm: Công viên và hồ điều hoà CV1 tại Khu đô thị mới Cầu Giấy; công viên và hồ điều hoà khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch. Xây dựng, ban hành quy định một số nội dung như hệ số K, quy trình lựa chọn chủ đầu tư về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 – 2030.
Một nhiệm vụ nữa, Hà Nội sẽ tập trung xử lý đối với các dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai chưa xử lý; tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với những dự án do các quận, huyện, thị xã bổ sung; hoàn thành việc hậu kiểm 30 kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp sử dụng vào công ích và đất công đối với 30 quận, huyện, thị xã.
Thành phố triển khai đồng bộ, có hiệu quả các đề án về xử lý chất thải y tế nguy hại, hạn chế chất thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường làng nghề, bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Cầu Bây – Bắc Hưng Hải, phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét .
Đáng chú ý, thành phố sẽ xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch; chọn 3 - 5 cơ sở để thực hiện trong năm 2023. Thành phố cũng sẽ đầu tư hệ thống thoát nước đô thị; khắc phục tình trạng úng ngập…
Trước đó, tháng 7/2022, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1). Theo Nghị quyết này, có 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Cty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) hiện đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.
Cụ thể, danh mục 9 cơ sở nhà, đất phải di dời gồm: Cty In Báo Nhân Dân Hà Nội; Cty TNHH một thành viên In Báo Hànộimới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Cty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Cty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Cty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Cty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo tại tờ trình của UBND thành phố, việc di dời các cơ sở nhà, đất theo quy hoạch (đợt 1) nhằm làm cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải di dời theo quy hoạch, qua đó góp phần sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích sử dụng, đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, bảo đảm hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị. Thời gian di dời các cơ sở nói trên là 5 năm kể từ khi Nghị quyết của HĐND thành phố được thông qua.