Hà Nội chậm giải ngân đầu tư công: Xem xét trách nhiệm bí thư, chủ tịch quận, huyện

Trường Phong |

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức phiên giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016- 2020.

Cán bộ không phù hợp chuyên môn

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, mặc dù có nhiều nỗ lực, song, công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 còn chậm và phải điều chỉnh nhiều lần.

Từ đầu kỳ trung hạn đến nay, thành phố phải thực hiện 4 lần cập nhật, điều chỉnh bổ sung kế hoạch. Công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư còn chậm, dẫn đến kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm được hoàn thiện. Một số dự án gặp vướng mắc, phải điều chỉnh kế hoạch vốn hoặc không thực hiện hết số vốn kế hoạch phải hủy bỏ, chuyển kết dư ngân sách…

Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi về nguyên nhân Ban QLDA nông nghiệp có 8/14 dự án chuyển tiếp đang thi công, Ban QLDA cấp thoát nước có 10/14 dự án chuyển tiếp, trong đó có nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như một số dự án trạm bơm của Ban QLDA nông nghiệp; các dự án xử lý nước thải Yên Xá, dự án thoát nước và cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2…

Đại biểu Nguyễn Văn Nghinh cho rằng, dự án trụ sở công an cấp quận huyện, phường tiến độ giải ngân chậm, mới đạt khoảng 19% cho 11 dự án. Điều này khiến kéo dài vốn từ năm 2019 sang năm 2020. “Lãnh đạo Ban QLDA công trình Văn hóa xã hội thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của ban và các ban liên quan, giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình trên”, ông Nghinh nêu câu hỏi…

Giám đốc Ban QLDA công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết, kế hoạch năm 2020 Ban được giao vốn 1.300 tỷ đồng, đến thời điểm giải trình, đã giải ngân đạt 42,3%. Về những tồn tại, ông Hùng cho biết, trước hết thuộc trách nhiệm chủ đầu tư trong quá trình điều hành, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ các Ban QLDA.

Ông Hùng nói: Về trình độ, chúng tôi tiếp nhận cán bộ từ các ban cũ theo quyết định ngày 31/12/2016, nhưng có người đến nay chưa thể thay đổi, chưa tiếp nhận được các công việc; có những cán bộ có chuyên môn không liên quan gì đến chuyên ngành, nhưng vẫn phải thực hiện công việc...

"Tôi tiếp nhận 146 cán bộ thì có 87 viên chức và 59 cán bộ hợp đồng, trong đó có cán bộ không phù hợp chuyên môn nên tôi đề nghị cho nghỉ nhưng có ý kiến cho giữ nguyên. Phải thừa nhận nguyên nhân đầu tiên là trách nhiệm chủ quan của chúng tôi", ông Hùng cho hay.

Trong khi đó, đại diện Ban QLDA Văn hóa xã hội cho biết, đến nay, Ban đã giải ngân được hơn 382 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch năm 2020, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu chung đề ra. Ban có nhiều dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng… Trong quá trình thiết kế các trụ sở cơ quan, một số dự án theo mẫu thiết kế mới của Bộ Công an, dẫn đến tình trạng hồ sơ phê duyệt “vòng đi vòng lại” để thẩm tra, thẩm định.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay còn chậm. Thành phố quyết tâm giải ngân đạt từ 97%-100% và thực hiện giải ngân năm 2020 đến hết tháng 1/2021.

Về giải phóng mặt bằng, đầu tháng 9, thành phố sẽ gửi văn bản lên Bộ KH&ĐT để trình Chính phủ tiếp tục thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng. Ông Sửu khẳng định, thành phố sẽ tăng cường giám sát, điều hành cụ thể hơn, đẩy mạnh triển khai trong quý IV/2020. Trong đó, làm rõ nguyên nhân chậm ở từng dự án vướng gì, ở đâu, trách nhiệm của ai...

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, UBND các cấp cần phải rút kinh nghiệm, sự phối hợp giữa các ngành phải xem xét lại. Vì các dự án giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu liên quan đến các quận, huyện. Trong khi đó, có tới 64/170 dự án chậm do việc phối hợp giữa các ngành.

“Rõ ràng là việc quản trị, triển khai, tổ chức thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa hiệu quả.

Vì thế, đề nghị UBND thành phố cần tập trung chỉ đạo, phân tích cụ thể từng dự án xem vướng những gì để tháo gỡ. Ví dụ có đồng chí phát biểu là không vướng gì nhưng tại sao giải ngân chỉ 31 - 41%. Các đồng chí có nói thật không? Không vướng gì tại sao không giải ngân được”, bà Ngọc nêu.

Bà Ngọc cũng cho rằng, cần xem xét đến các trường hợp chây ì, không đủ năng lực, không khắc phục khó khăn, không quyết liệt trong giải quyết, giải ngân vốn đầu tư công.

“Có phải do cá nhân, lỗi chủ quan hay không? Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Đơn vị vướng giải phóng mặt bằng, cấp quận huyện thì bí thư đã vào cuộc chưa hay chỉ để các ban quản lý, các ngành chuyên môn làm dẫn đến không giải quyết được. Phải xem xét rõ trách nhiệm người đứng đầu, cơ sở để xảy ra chậm”, bà Ngọc nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại