Bốn trăm nghìn/lần khám nhanh
9h30 sáng ngày 29/7, nhóm PV Tiền Phong có mặt tại phòng khám 56 Hai Bà Trưng. Dòng người xếp hàng chật kín, đa phần là phụ nữ mang bầu ánh mắt mệt mỏi, chống cằm ngồi chờ.
Trong vai một người đi khám bệnh, sau khi mua sổ y bạ và lấy phiếu khám, tôi đang lơ ngơ thì một ông xe ôm đứng ngay trước cửa tiến lại hất hàm: "Có muốn khám luôn không".
Lập tức, ông này tiến về phía tôi và chỉ tay vào một người phụ nữ trẻ tóc ngắn phía trái. Người phụ nữ nhanh nhảu: "Chị dẫn đến gặp bác sĩ luôn, không phải đợi. Chỉ hết 500.000 đồng thôi.
Trong đó, có 300.000 đồng tiền khám của em rồi".
Thấy tôi do dự, lập tức hai người phụ nữ bên cạnh cùng ông xe ôm tấn công: "Có 500.000đ thôi, tiết kiệm được thời gian. Để thời gian đó về làm việc khác.
Giờ em mà khám có mà đợi đến chiều tối". Nhận 500.000đ, người phụ nữ lập tức rút điện thoại. "Cò" cho hay, người thứ nhất mà người phụ nữ này gọi điện từ chối, người thứ hai tên Linh nhận lời.
"Đấy, nhờ cho em có phải dễ đâu" – "cò" phân trần.
Thống nhất xong, chị ta đưa lại cho tôi 100.000đ bảo vào mua phiếu và băng băng bước đi vào phòng khám, tôi lũi cũi theo sau. Người phụ nữ cho biết mình tên Thanh.
Đi qua tất cả các phòng tại địa chỉ 56 Hai Bà Trưng, người phụ nữ tiến vào sân trong của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bảo tôi dừng lại rồi dặn: "Lát có thằng em ra đón, em cứ đi theo nó.
Đưa sổ y bạ đây, vào kia mua sổ khác. Vào cửa số 11, bảo em người nhà chị L. tài vụ nhé"!
Lát sau, một thanh niên đến, chị Thanh bàn giao tôi cho cậu thanh niên này. Kiên, người vừa nhận bàn giao dẫn tôi vào nhà A của Bệnh viện Phụ sản TW và chỉ cho tôi chỗ mua y bạ.
Sau đó, hướng dẫn tôi đến cửa 11 và dặn nhớ bảo là người nhà của chị L. tài vụ.
Lấy số xong, Kiên dẫn tôi lên phòng số 19B rồi bảo tôi vào. Khi bước vào phòng khám tôi đã thấy có một số người ngồi đợi phía ngoài.
Nhưng khi đưa sổ, bác sĩ chỉ định khám luôn. Như vậy, từ lúc vào nộp tiền cho đến khi khám xong, tôi chỉ mất 15 phút. Và không phải xếp hàng ở bất cứ khâu nào!
Trước đó, PV Tiền Phong đã nhiều lần trong vai người đi khám thâm nhập vào phòng khám 56 Hai Bà Trưng. Tại đây có hai người phụ nữ, một già, một trẻ thường xuyên xuất hiện chào mời kèm theo nhóm xe ôm hỗ trợ.
Không chỉ tại BV Phụ sản Trung ương, ngay cửa BV U bướu Trung ương (Bệnh viện K), PV Tiền Phong cũng được hai "cò" gạ gẫm khá nhiệt tình.
Sau khi bày tỏ nguyện vọng với một tài xế xe ôm đứng trên vỉa hè phố Quán Sứ -Tràng Thi, PV được một chị "cò" chừng ngoài ba mươi tuổi, môi tô son đỏ chót săn đón nhiệt tình.
"Anh ghi số điện của em vào để gọi nhé. Khám nhanh, mời bác sỹ giỏi, em xử lý hết", chị "cò" cam kết.
Vì sao "cò" có đất sống?
Cảnh người nhà bệnh nhân chờ đợi tại BV Phụ sản Trung ương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thừa nhận tình trạng "cò" đang hoạt động tại khu vực phòng khám 56 Hai Bà Trưng.
Tuy nhiên, ông Quyết cho biết đến nay vẫn chưa phát hiện được sự móc nối giữa "cò" với nhân viên y tế.
"Tôi rất mong hợp tác với báo để làm rõ. Bệnh viện nào cũng có "cò" nhưng cứ bắt xong hôm trước, phạt vài trăm nghìn rồi hôm sau lại tái diễn nạn "cò".
Cò thường mượn danh cán bộ của bệnh viện để thu tiền bệnh nhân. Lực lượng của bệnh viện chỉ kiểm soát được bên trong, bên ngoài phải là chính quyền, công an", ông Quyết nói.
Ông Quyết cam kết nếu phát hiện nhân viên y tế tiếp tay cho "cò" thì sẽ đuổi việc ngay.
Còn tại Bệnh viện K, ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc khẳng định bệnh viện này đã phát hiện có tình trạng bác sỹ tiếp tay cho "cò"! Cụ thể là vào tháng 4/2016 vừa qua, nhờ sự tố giác của bệnh nhân,
Bệnh viện K đã phát hiện và xử lý một bác sỹ của Khoa chẩn đoán hình ảnh móc nối với "cò" thu tiền bệnh nhân.
Cũng theo ông Thuấn, "cò" thường moi tiền của bệnh nhân qua hình thức như bán sổ y bạ với giá cao, giới thiệu với người bệnh cơ sở khám bệnh bên ngoài bệnh viện.
"Cò thường thu của người bệnh từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, hứa hẹn gặp bác sỹ này bác sỹ kia.
Nguyên nhân là trước đây bệnh viện tại Quán Sứ bị quá tải nghiêm trọng, mỗi ngày lên tới 1.500 lượt người đến khám. Hiện nay đã giảm tải nhiều do đưa cơ sở mới vào hoạt động tại Tân Triều", ông Thuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cho hay trên địa bàn phường có tới 4 bệnh viện trung ương và tình trạng "cò" bệnh viện đang diễn ra hết sức phức tạp.
Ông Thành khẳng định, sở dĩ "cò" có đất sống là vì nguyên nhân từ chính quy trình khám chữa bệnh của các bệnh viện.
Qua khai thác các đối tượng bị tạm giữ, công an phường cho biết các đối tượng này lợi dụng sự lỏng lẻo, đã vào phòng khám từ sáng sớm lấy nhiều vé khám rồi sau đó bán lại cho người đến sau.
Trong khi đó, mức xử lý đối với "cò" quá nhẹ, thường là phạt hành chính từ 100 đến 300 nghìn đồng/1 lần vi phạm nên không đủ sức răn đe.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, công an phường Hàng Bông đã xử phạt hành chính 40 đối tượng là "cò" hoạt động tại các bệnh viện.